Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Lòng tham :

*** Có 1 câu chuyện về lòng tham rất hay :
Một vị thiền sư đi ngao du thiên hạ, khi đến một vùng núi nọ thì bị ốm nặng, ông được một bà goá là chủ quán trà cứu và đưa về nhà chăm sóc. Mặc dù không biết tung tích vị thiền sư, quán nghèo thưa thớt khách, không có tiền nhưng người phụ nữ vẫn tận tình chăm sóc và cứu chữa cho ông. Hơn 3 tháng ròng, vị thiền sư mới bình phục, cảm động ân tình của bà chủ quán, vị thiền sư trước khi rời đi dành một tuần liền để đào một cái giếng cạnh quán cho bà goá tiện dùng nước, không phải ra tận suối gánh nữa.Không ngờ, từ khi dùng nước giếng mà vị thiền sư đã đào để pha trà bán, trà của bà goá có mùi thơm thật đặc biệt và vị của trà cũng rất ngon, ai uống một lần cũng phải quay lại. Tiếng lành đồn xa, quán trà của bà goá khách đến đông nườm nượp, người đàn bà goá trở nên giàu có từ đó. Ít lâu sau, vị thiền sư có dịp ghé qua quán để thăm lại ân nhân của mình, thấy cơ ngơi khang trang, vị thiền sư rất mừng cho bà goá. Khi hỏi về giếng nước, bà goá than phiền với thiền sư: “Giếng nước này tốt lắm, có điều nước cạn liên tục, vài ngày mới lại đầy nên tôi chẳng bao giờ đủ để bán cho khách”. Vị thiền sư nghe xong lắc đầu, nói: “Không tốn kém gì cả, từ nguồn nước trời cho rồi kiếm ra nhiều tiền mà bà vẫn không thấy hài lòng ư?” .Ông viết lên tường một câu: “Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế!” rồi lẳng lặng quay đi, không bao giờ quay trở lại quán nữa. Giếng nước từ ấy cũng cạn dần......Chúng ta, phần lớn giống như bà goá kia, không bao giờ hài lòng với cái mình có mà thường đứng núi này trông núi nọ. Chúng ta thường hay so sánh, hay mong ước viển vông mà quên vui hưởng hiện tại của mình.

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Tham sân si :

Trong kinh Pháp cú có chỉ rõ: Tham Sân Si là tam độc, là sự ham muốn thái quá, là một cơn giận, nóng nảy, thù hận, không vừa lòng, không như ý muốn, là sự u tối không suy xét theo lẽ phải, hay dở tốt xấu.
Tham sân si là ba thứ kịch độc luôn tìm ẩn trong tâm ta. Nếu không nhận diện được bản chất của nó và cách kiểm soát thì ta sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của nó, vì sao? Vì một khi 3 thứ này nó khởi lên thì nó sẽ thiêu cháy tất cả nào là nhân cách đạo đức, sự sáng suốt, mạng sống của chính chúng ta và những người khác.

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Drone :

 Gần đây chúng ta được nghe nói khá nhiều về cụm từ "drone" hay "UAV". Đây là một loại máy bay không người lái được sử dụng cho nhiều mục đích, từ bay giám sát và tiêu diệt mục tiêu quân sự cho đến chụp ảnh, quay phim hay thậm chí là giao... bánh pizza. Và tất nhiên, UAV không phải là đồ chơi, thế nên để nó bay lên trời thì cũng có nhiều quy định phải tuân theo. 
 Theo Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA), drone hay còn gọi là unmanned aerial vehicle (UAV) là máy bay không người lái. "Nó có thể có nhiều hình dạng, kích thước và phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Chúng có thể có sải cánh rộng như một máy bay phản lực hay chỉ nhỏ như một chiếc máy bay mô hình điều khiển bằng sóng radio".........
Nó cũng có thể chở theo.......bomb đấy !

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

Phá dỡ thuỷ đài :

Sau nhiều ngày chuẩn bị, thủy đài trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh) đang được đơn vị thi công tháo dỡ vào tháng 12/2017 Bên trong công trình này có nhiều kết cấu khá đặc biệt, lớp bê tông thủy đài này dày trung bình khoảng 30 cm, phần đế dày 40 cm, lớp thép bên ngoài bọc hàng chục dây thép, bên trong lò xo có vữa xi măng và đá nhỏ. "Đây là kết cấu để co giãn như cáp dự ứng lực của dầm cầu trong quá trình tác động của nước", trông giống như 1 thùng làm nước mắm của ta !

Tết Nhật :

 Vì sao Nhật Bản lại đón Tết theo Dương lịch?

Hiện nay người Nhật tổ chức đón năm mới vào ngày 01/01 theo dương lịch hàng năm, trước đây người dân xứ sở hoa anh đào cũng đón năm mới theo âm lich, như Việt Nam và một số nước Châu Á, tuy nhiên kể từ năm 1873 đến nay, Nhật Bản đã tổ chức Tết theo dương lịch nhằm tiết kiệm thời gian cũng như mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Nhờ việc thay đổi này mà chính phủ Nhật Bản đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc trả lương tháng 13 cho công chức đồng thời giảm bới số ngày nghỉ góp phần tăng sản lượng quốc gia
Đêm 30 Tết, cả gia đình người Nhật sẽ ăn bữa tất niên. Đến thời khắc giao thừa, các ngôi chùa thiêng sẽ điểm 108 hồi chuông. Người Nhật tin rằng những tiếng chuông này sẽ giúp họ xua đuổi 108 con quỷ sứ. Chủ gia đình sẽ đọc lời chúc mừng năm mới và sau đó cả gia đình sẽ cùng nhau ăn bánh Tết, uống rượu. Người Nhật tin rằng thần Toshigami-sama sẽ truyền sinh lực vào bánh Tết, nên sau khi cúng thần chiếc bánh này sẽ được chia ra cho mọi thành viên trong gia đình thưởng thức.
Đối với người Nhật, xuất hành đầu năm là một việc trong đại. Họ thường ưu tiên đi lễ chùa cầu may. Mỗi năm có một hướng tốt nên người Nhật sẽ đi lễ chùa theo hướng của năm đó. Khi vào chùa mọi người phải rửa tay và súc miệng trước, sau. Từ mùng 1 Tết, người Nhật sẽ đi chúc Tết cấp trên, bạn bè, họ hàng thân thích. Người Nhật gọi ba ngày đầu năm mới là "ba ngày chúc tụng". Theo truyền thống, các gia đình đều để cuốn sổ và bút chì trước cổng. Người đi chúc Tết sẽ ghi địa chỉ vào cuốn sổ, mang ý nghĩa là đã đến thăm nhà. Người Nhật cũng có phong tục lì xì cho trẻ con như các nước châu Á khác.........

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

Bát trân :


Bát trân ý nói là những món ăn ngon. Ngày xưa, có 8 món ăn được liệt vào hạng ngon nhất, nấu công phu và rất bổ dưỡng, chỉ có vua chúa mới có dịp ăn, ấy là:

1. Nem công: Thịt công ăn bổ, giải trừ thứ độc trong người. Khi làm, người ta phải cẩn thận cắt mật vất đi, vì mật công rất độc.

2. Chả phượng: Giống chim này sống ở núi cao, rất khó bắt. Con trống gọi là Phụng, con mái là Hoàng. Người xưa tin rằng khi nào chim phụng xuất hiện là điềm thánh nhân ra đời.

3. Da tây ngu: Tây ngu còn gọi là tê ngưu (tê giác), một giống heo rừng lớn, chân có ba móng, đầu có ba sừng. Nó có hình dạng xấu xí, chỉ ăn cây rừng. Da tây ngu dày dao đâm không thủng, chỉ trừ da ở nách là mỏng, người ta lấy da này ngâm vào nước rồi nấu ăn.

4. Tay gấu: Gấu có sức mạnh tập trung vào hai chân trước (tay).

5. Gân nai: Gân nai nửa dẻo nửa giòn, ăn tráng dương bổ thận.

6. Môi đười ươi: Đười ươi là giống khỉ lớn thích đùa giỡn, khi vui phát ra tiếng như cười nức nẻ.

7. Thịt chân voi: Voi tuy lớn, nhưng chính giữa bàn chân voi lại có một lớp thịt gân rất mềm.

8. Yến sào: Yến ăn rau câu bọt bẻ, pha trộn với nước miếng, chế thành một chất nhựa trong, nhiễu ra thành sợi để dệt tổ áp dính vào tường. Tổ yến làm rất công phu, ngon và bổ.

Mài dao dạy vợ :


Ngày xưa có một người nhà quê lấy phải vợ độc ác. Người vợ này đối xử với mẹ chồng rất là hỗn láo vô lễ. Người chồng khuyên hoài không được, bèn nghĩ ra một kế.

Anh ta sắm một con dao bầu thật sắt. Mỗi ngày lấy ra mài. Người vợ lấy làm lạ hỏi, nhưng anh ta không đáp. Người vợ tò mò hỏi hoài, cuối cùng anh ta trả lời: "Tôi mài dao để có dịp giết mẹ đi thôi. Mẹ đã già, sống mà ngày nào cũng cãi cọ với mình vậy thì thà chết đi cho rồi".

Người vợ thấy thế hoảng hốt, rồi ăn năn: "Xin mình đừng giết mẹ, từ nay tôi hứa sẽ không có điều chi to tiếng trong nhà nữa".

Từ đó trong nhà thuận hòa vui vẻ.

"Mài dao dạy vợ" ý nói sự khôn ngoan của người chồng để khuyên bảo vợ mình làm điều phải.

Giá áo túi cơm :




Thời Ngũ Đại, có một người tên là Mã Ân, tiến ngôi vua Mã Ân nguyên trước chỉ là một vị quan võ nhỏ, bộ hạ của quan Vũ An Tiết Độ Sứ đời Đường là Lưu Kiến Phong. Rồi sau, Lưu Kiến Phong bị bộ hạ giết, Mã Ân được tôn lên làm Thống soái.

Rồi đến khi Chu Ôn soái được thiên hạ của nhà Đường, đổi quốc hiệu là Lương (sử gọi là nhà Hậu Lương), thì Mã Ân được phong làm Sở Vương, làm chủ cả một giải
đất Đông Bắc tỉnh Hồ Nam và Quảng Tây, quyền uy lừng lẫy một thời.

Nhưng Mã Ân thật sự lại chỉ là một kẻ tầm thường, bất tài, chuyên lo hưởng thụ, người đương thời rất khinh thường Mã Ân, và gọi Mã Ân là "Tửu nang phạn đại",
ý nói rằng Mã Ân chỉ là cái túi để chứa rượu, đựng cơm mà thôi.

Về sau, người đời biến "Tửu nang phạn đại" thành thành ngữ để chỉ hạng người bất tài vô đức, không giúp gì được cho quốc gia xã hội, trái lại chỉ chạy theo lợi
danh, mưu cầu cơm áo cho mình mà thôi.

Giấc Nam Kha :


Thuần Vu Phần ngày xưa rất nghèo, nằm ngủ bên gốc cây hòe, chiêm bao thấy hai sứ giả mời ông làm phò mã, rồi được vua phong làm Thái thú ở đất Nam Kha rất vinh hiển. Khi tỉnh giấc chỉ thấy một đàn kiến bên mình.

"Giấc mộng Nam Kha", ý nói giấc mộng đẹp đẽ và ngắn ngủi

Thần tài :

Theo truyền thuyết, thần tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Tần. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam. Về sau đắc đạo, ông được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bịnh trừ taị Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cúng cầu ông để được phát đạt may mắn.

Người ta thường vẽ ông thành hình một người mặt đen, râu rậm, tay cầm coi, cưỡi cọp đen. Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hay Triệu Công Nguyên Soái.

Tứ hỉ :



Tứ Hỉ phát xuất từ quan niệm của người Trung Hoa, cho rằng trong đời người, có 4 điều tốt lành mà ai cũng đáng vui mừng:

Cữu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì.


Có nghĩa là:

Hạn hán lâu ngày nay có mưa
Nơi xứ lạ quê người gặp được bạn cũ
Đêm động phòng hoa chúc của vợ chồng mới cưới
Lúc thi đỗ bảng vàng.

Nước đổ đầu vịt :


Với một số đối tượng, thì có khuyên bảo, dạy dỗ đến đâu cũng vô ích, không có tác dụng gì. Công sức dạy bảo khuyên nhủ đó cũng như "nước đổ đầu vịt" mà thôi.

Như đã biết, đầu vịt đã bị thon, lại hơi nhô. Lông ở đầu vịt thường dày và mượt. Thành ra, nước đổ lên đầu vịt cứ trôi tuồn tuột, chẳng dành thấm vào đâu được. Hiện tượng có thực này dễ làm người ta liên tưởng đến việc không tiếp thu lời khuyên bảo ban của một số người. Ở họ, dẫu có cố công giảng giải, răn bảo bao nhiêu thì cũng vô ích. Họ không ghi nhớ, không hiểu ra do kém trí thông minh, ít hiểu biết hoặc trì độn. Nhưng cũng có khi không phải vì kém cỏi, tối dạ mà là do sự bướng bỉnh, gàn quấy, hiểu cả đấy, biết là lời hay lẽ phải đấy, nhưng cứ không nghe theo không làm theo như chẳng nghe gì cả. Kẻ dốt nát thì không tiếp nhận lời dạy bảo là chuyện bình thường. Họ cứ ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Nói với họ rõ là chán, nói với đầu gối còn hơn. Như vậy, cả kẻ dốt nát và kẻ bướng bỉnh đều gặp nhau ở chỗ là mọi lời giáo huấn, chỉ dẫn đều vô tích sự, đều vô dụng, không mang lại hiệu quả gì.

Dần dần thành ngữ "nước đổ đầu vịt" được mở rộng để chỉ sự vô tác dụng, vô ích, không có kết quả nói chung.

Gần nghĩa với "nước đổ đầu vịt" còn có một loạt thành ngữ như: như nước đổ lá khoai (môn), như nước đổ đầu chày...

Nước mắt cá sấu :


Cá sấu là một loại bò sát mạnh bạo, ăn thịt động vật mà nó bắt được. Loài vật này có thể tấn công và bắt những con vật to lớn khoẻ mạnh như trâu bò và có khi là con người khi vô tình rơi vào phạm vi hoạt động của nó. Do đó người ta xếp cá sấu vào loại động vật hung bạo nguy hiểm. Có một điểm đặc biệt là sau khi nuốt chửng con mồi, khoé mắt cá sấu lại chảy nước tương tự như con người chảy nước mắt khóc thương ai đó. ..Vì sự tương quan này người ta nghĩ là cá sấu đã khóc cho nạn nhân của nó, kẻ vừa bị nó cướp đi sinh mạng.

Dựa vào tính cách khóc thương kiểu của cá sấu này, người ta liên tưởng đến những hạng người giả dối trong xã hội. Một mặt hại người, hại bạn, một mặt thì nói lời tử tế hiền lành. Một mặt thì làm điều xằng bậy, một mặt nói lời giả nhân, giả nghĩa.

Trong dân gian còn có câu "miệng thì nam mô bồ tát, trong bụng vác một bồ dao găm”. Hạng người này thật là nguy hiểm!

Lấy thúng úp voi :


Voi là con vật to lớn so với nhiều loài động vật, ngôn ngữ dân gian thường ví von “to như voi.” Thúng là cái rổ sâu, đường kính lớn hơn cái rổ thường, đan bằng tre, dùng đựng thóc, gạo, đậu hay ngô khoai. Đọ với con voi, cái thúng gánh ở hai đầu quang gánh hay cắp bên nách người đàn bà nông thôn, rõ ràng là rất nhỏ, úp nguyên cái đầu voi đã không lọt, nói chi cả
mình voi?

Vì vậy, câu tục ngữ “Lấy thúng úp voi” diễn tả:

1. Một việc sai trái lớn tầy đình mà toan che đậy bằng lý lẽ thiếu sót, không đủ, khiến dấu đầu hở đuôi.

2. Dùng biện pháp nhỏ để giải quyết việc lớn, không thích hợp.

Nhạt phấn phai hương :



Người phụ nữ bao giờ cũng có thời xuân sắc, trẻ trung, lọt vào mắt xanh bao chàng trai, và làm cho họ say mê, đeo đuổi. Nhưng thời đó cũng phải qua, nhan sắc cũng tàn tạ theo thời gian năm tháng, đó là lúc nhạt phấn phai hương:

Lòng phiền, nhạt phấn phai hương
Ủ ê mày liễu võ vàng mắt hoa.

(Truyện Phương Hoa)


Ai cũng hiểu thành ngữ nhạt phấn phai hương chỉ sự tàn phai nhan sắc do tuổi tác của người phụ nữ. Nhưng hiểu hương, phấn trong thành ngữ này là gì thì lại không đơn giản. Thoạt tiên, nhiều người cho rằng hương, phấn ở đây là các loại xa xỉ phẩm dùng để hoá trang, tôn thêm sắc đẹp cho người phụ nữ. Vậy thì nhạt phấn phai hương có liên quan gì đến tuổi già? Nhạt phấn phai hương trong trường hợp phấn hương là đồ hoá trang chỉ liên quan đến cách sống, lối sống cá nhân, do chủ quan tạo ra. Trong khi đó, tuổi già là do quy luật khách quan chế định, tác động. Thành ra, cách hiểu này chưa thoả đáng.

Thực ra, phấn hương trong nhạt phấn phai hương là hệ quả của sự ước lệ. Trước đây người ta ví người phụ nữ như một bông hoa (làm hoa để người ta hái, làm gái để người ta thương). Lúc còn xuân sắc, đương thì cũng là lúc hoa vừa mới nở, đang đưa hương và khoe sắc phấn. Lúc hoa tàn, thì phấn hương sẽ phai nhạt. Khi người con gái về già, thì nhan sắc tàn tạ dần đi cũng tựa như hoa tàn thì hương phấn tất phải nhạt phai. Như vậy, theo phép ước lệ của truyền thống văn hoá cổ thì hương, phấn trong nhạt phấn phai hương chính thực là hương phấn của hoa. Tuy nhiên về sau này người ta dễ dàng bỏ qua điều đó, nghiễm nhiên xem phấn, hương trong thành ngữ này là các chất hoá trang thường dùng của phụ nữ. Cứ vậy, người ta chỉ hiểu ý nghĩa chung của thành ngữ mà mặc nhiên xem phấn hương là chuyện đã biết và dễ hiểu như thế. Theo cách hiểu này và theo khuôn mẫu có sẵn của nhạt phấn phai hương người ta tạo lập các dạng thức mới của thành ngữ này, lệ như nhạt phấn phai son (hay phai son nhạt phấn):

Dốt có đuôi :



Những người kém thông minh, chậm hiểu, dốt nát, khờ dại thường bị chế giễu bằng thành ngữ “dốt có đuôi”. Thành ngữ này có xuất phát điểm và quá trình chuyển dịch rất thú vị.

Nhiều người cho rằng, thành ngữ “dốt có đuôi” xuất hiện gắn liền với chế độ khoa cử dưới thời phong kiến. Thoạt tiên, thành ngữ này chỉ có ý chê bai một đối tượng không đến nỗi dốt nát. Họ cũng là người có đỗ đạt trong kì thi hội, thi đình hẳn hoi. Số là, sau kì thi, những người trúng tuyển được tập trung lại để yết kiến vua. Họ được sắp xếp thứ tự từ người đỗ cao nhất đến người đỗ thấp nhất (tức đứng cuối, đứng rốt) với quần áo mũ miện nhà vua ban phát chỉnh tề. Người đứng sau cùng đội chiếc mũ có tai dài, vì thế người ta mới chế giễu là “có đuôi”. Rõ ràng trong mắt sĩ tử và dân chúng thì người đội mũ có đai dài trông như cái “đuôi ấy”, vẫn là người dốt hơn cả so với những người có mặt. Từ đây, trong lời ăn tiếng nói của nhân dân xuất hiện thành ngữ “dốt có đuôi” để chế giễu tất cả những ai dốt nát.

Một số người khác lại cho rằng, thành ngữ này có xuất xứ từ một câu chuyện cười Việt Nam. Chuyện rằng, một thầy đồ được mời đến cúng cho gia chủ tên là Tròn. Nhưng than ôi, thầy đồ gì mà chữ nghĩa chẳng được bao lăm. Đến cái tên của gia chủ là Tròn mà ông ta cũng chẳng biết viết, đành khoanh một vòng tròn. Chẳng may, có một kẻ tinh nghịch đã sổ thêm một nét vào “chữ Tròn” ông vừa mới viết. Khi đọc sớ, thầy không biết, cứ việc theo hình vẽ mà đọc tên gia chủ là “Gáo”. Chủ nhà giật mình, cải chính. Ông thầy cúng biết mình nhầm, xấu hổ lắm, những mong có lỗ nào mà chui ngay xuống đất. Qua câu chuyện này, thành ngữ “dốt có đuôi” có hai cách hiểu về xuất xứ và cũng có hai biến thể khác nhau: “dốt có đuôi” “dốt có chuôi”. Dẫu hiểu thế nào thì thành ngữ này cũng chỉ biểu hiện ý nghĩa: “dốt nát và không giấu được cái dốt của mình”.

Để biểu thị ý nghĩa “dốt nát, không biết gì”, ngoài thành ngữ “dốt có đuôi”, “dốt có chuôi”, trong tiếng Việt còn có các thành ngữ “dốt đặc cán mai”, “dốt như bò”. Tuy nhiên, các thành ngữ này không có nét nghĩa “không giấu được cái dốt, cái dốt bộc ra ngoài”, chúng chỉ đơn thuần biểu thị mức độ cao nhất của sự dốt nát mà thôi.

Tham bát bỏ mâm :


Trong cuộc sống, đôi khi chỉ vì tham những lợi lộc nhỏ mọn, trước mắt mà người ta bỏ qua những nguồn lợi lâu dài, to lớn hơn. Vậy là tham bát bỏ mâm.

Ý nghĩa trên được hình thành nhờ sự so sánh trực quan và nôm na của tư duy dân gian: Bát chỉ là phần nhỏ nằm trong mâm cỗ lớn. Thế mà cố giành lấy bát, quên rằng mâm cỗ còn nhiều hơn, còn to hơn, âu cũng là tư tưởng tầm thường, được miếng nào hay miếng ấy, không biết nhìn xa trông rộng. Vì lẽ đó, thành ngữ tham bát bỏ mâm thường cũng được dùng để phê phán lối nhìn thiển cận, cách làm ăn manh mún, thiếu tính toán. Bỏ được tư tưởng tham bát bỏ mâm thì mới có thể tiếp cận được lối làm ăn lớn.

Vàng thau lẫn lộn :

Vàng, thau là hai kim loại khác nhau. Vàng thuộc loại kim loại quý, hiếm, có giá trị cao. Còn thau chỉ là hợp chất giữa đồng và kẽm, có màu vàng lợt. Về hình thức, vàng và thau có màu sắc như nhau, dễ nhầm lẫn. Nhưng về bản chất, vàng, thau hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng cùng một hạng, một thang giá trị. Đối với con người và các hiện tượng trong cuộc sống cũng tương tự như vậy. Giữa cái tốt, cái xấu, cái thật, cái giả, giữa cái đúng và cái sai... đôi khi dựa vào hình thức để phân biệt, nhận biết tính xác thực của chúng cũng không đơn giản. Sự nhầm lẫn trong đánh giá, nhận biết các chân giá trị này, thường được nhân dân ta biểu thị bằng thành ngữ "vàng thau lẫn lộn".

Trong tiếng Việt, thành ngữ "vàng thau lẫn lộn", ngoài việc hàm chỉ sự nhận thức lẫn lộn các chân giá trị, còn được để đánh giá bản chất của các hiện tượng, các hành động. Một xã hội "vàng thau lẫn lộn", một tập thể "vàng thau lẫn lộn"... cũng là một xã hội, một tập thể không còn thể thống, không còn nề nếp và đang suy thoái, lộn xộn, đảo điên.

Vô tình đánh giá, nhận biết sai các chân giá trị, làm cho "vàng thau lẫn lộn" là chuyện thường gặp. Đó là kết quả của trình độ nông cạn, thiếu kinh nghiệm và đôi khi còn là kết quả sự cẩu thả thiếu thận trọng, "nhìn gà hoá cuốc". Nhưng cố ý làm cho "vàng thau lẫn lộn", để đổi trắng thay đen lại là hành động có ý thức, hành động bịp bợm, thâm hiểm. Bản chất xấu xa ti tiện của loại hành động này cần được vạch mặt chỉ tên.

Mạt cưa mướp đắng :

“Tình cờ chẳng hẹn mà nên
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”




Có một cuộc hội ngộ thật ngẫu nhiên và đầy lý thú. Một anh chàng rao bán cám làm thức ăn cho lợn gà, mà trong gánh chỉ rặt một thứ mạt cưa! Lại nữa một kẻ rêu rao bán dưa chuột, nhưng những thứ bán ra chỉ toàn là mướp đắng!  Trớ trêu thay, cái phường mạt cưa mướp đắng ấy lại gặp nhau.
Thành ngữ mạt cưa mướp đắng hay mướp đắng mạt cưa, do chỗ được hình thành từ câu chuyện vui như trên, nó được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa đảo trong xã hội. 

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Hotel bẩn :


Nơi sạch nhất để ăn trong phòng khách sạn là...toilet

 0  Hàn Hạnh (Theo Telegraph)
ANTĐ Một nghiên cứu mới nhất về độ sạch sẽ của các phòng khách sạn đã chỉ ra rằng du khách nên ăn sáng trong... nhà vệ sinh hơn cả trên giường ngủ
Hầu hết mọi người đều có ấn tượng kinh khủng về việc ăn sáng trong nhà tắm là vô cùng mất vệ sinh. Nhưng một nghiên cứu mới đây của nhà vi sinh vật học Keith Warriner đã chỉ ra rằng nếu một phòng vệ sinh được dọn dẹp cẩn thận còn chứa ít mầm bệnh hơn chăn, ga, gối, đệm trên giường ngủ. Warriner cho biết nhà vệ sinh và phòng tắm là nơi được dọn dẹp thường xuyên và nhiều nhất trong khách sạn, vì thế có ít vi khuẩn nhất.
Trong khi những nơi thường được coi là sạch sẽ, vệ sinh nhất như giường ngủ thì lại ít được quan tâm hơn và ủ trong đó nhiều mầm bệnh. Thực tế là khi ở trên giường ngủ, chúng ta để lộ nhiều phần cơ thể nhất và để lại trên giường ngủ nhiều tế bào chết của mình, thậm chí là cả những chất dịch khó bị phát hiện sau khi ân ái. Nhiều nhân viên khách sạn thú nhận rằng nếu không nhìn thấy vết bẩn trên chăn đệm, họ sẽ không thay giặt chúng mà chỉ trải lại phẳng phiu khi dọn phòng cho khách.