Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Phan châu Trinh (Tây Hồ)

Chí sĩ PHAN CHÂU TRINH
(9/9/1872 - 24/3/1926)

          Phan Châu Trinh tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ,  biệt hiệu Hy Mã,  sinh ngày 9/9/1872 tại làng Tây Lộc, xã Tam Phước nay là xã Tam Lộc, Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam. Cha là Phan Văn Bình - một nhân sĩ của phong trào Cần Vương.
          Năm 28 tuổi Phan Châu Trinh đỗ Cử nhân (1900), 29 tuổi đỗ Phó bảng (1901), cùng khoa với Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (thân sinh của Nguyễn Ái Quốc). Năm 1902, Phan Châu Trinh được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa Biện (một chức quan nhỏ) Bộ Lễ và đến năm 1904 cụ xin từ quan.
          Phan Châu Trinh dành nhiều thời gian cho việc sáng tác văn thơ và kết giao với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế… đọc “tân thư”, tiếp thu tư tưởng cách mạng tư sản phương Tây, tìm hiểu cuộc duy tân ở Nhật Bản. Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp bắt đầu cuộc vận động duy tân ở Quảng Nam với 3 mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
          Năm 1908, phong trào đòi giảm sưu thuế nổ ra khắp Trung Kỳ, Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bẳt giam và đày ra Côn Đảo. Được sự can thiệp của Hội Nhân Quyền Pháp, năm 1911, ông được trả tự do và sang Pháp hoạt động.
          Tại Pháp, Phan Châu Trinh viết “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt kí”, nói về cuộc dân biến ở Trung Kỳ năm 1908; “Đông Dương chính trị luận”, phê phán chính sách cai trị của Pháp ở Đông Dương. Năm 1912, cùng với Phan Văn Trường thành lập “Hội đồng bào thân ái”. Năm 1920, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền hình thành nhóm “Ngũ Long” (nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp).
          Năm 1925, Phan Châu Trinh về nước, nhân dân Sài Gòn nhất là học sinh nồng nhiệt chào đón cụ. Khi Phan Bội Châu bị Hội đồng đề hình Pháp xử mức án “khổ sai chung thân”, Phan Châu Trinh gửi điện cho Toàn quyền Đông Dương đề nghị ân xá cho Phan Bội Châu. Tháng 11-1925, Phan Châu Trinh diễn thuyết tại nhà Hội thanh niên Sài Gòn về “Đạo đức luân lý Đông - Tây”; “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”.
          Sau hai lần tù tội, 14 năm lao động vất vả nơi xứ người, Phan Châu Trinh gầy yếu và bệnh nặng. Ngày 24/3/1926, lúc 21 giờ 30, cụ từ trần, hưởng thọ 54 tuổi. Đám tang và Lễ truy điệu Phan Châu Trinh trở thành cuộc vận động ái quốc rộng lớn.
          Mặc dù có những hạn chế nhất định, nhưng điều đáng quý ở Phan Châu Trinh là tinh thần yêu nước nồng nhiệt, ý chí đấu tranh bất khuất trước cường quyền và gian khổ, quyết tâm đổi mới đất nước...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét