“Văn hóa chửi” của người Việt!
Quả thật văn hóa “Chửi” của người Việt đã đạt tới mức công phu thượng thừa. Lẽ ra phải được tổ chức UNESCO xét công nhận là di tích “Văn hóa … phi vật thể”.!!!
Có lẽ cái sự “Chửi” đã có rất lâu từ khi hình thành ngôn ngữ của nhân loại và phổ biến trên toàn cầu từ đời nào rồi chứ không riêng gì ở Việt Nam mình đâu!
“Chửi” xuất hiện khắp nơi và mọi lúc xuất phát từ những “bức xúc” tâm lý của người chửi đối với “đối tượng bị chửi”.
Không làm mình hài lòng, phật ý một việc gì đó …: “Chửi”
Cha mẹ dạy bảo con cái, chúng không nghe lời…: “Chửi”
Con cái hỗn láo với cha mẹ, ông bà, người lớn…: “Chửi”
Quan hệ hàng xóm láng giềng không thuận, tranh chấp hơn thua…: “Chửi”
Cấp trên thấy cấp dưới không hoàn thành công việc được giao cho, làm chậm kế hoạch gì đó …: “Chửi”
Cấp dưới thấy cấp trên chửi mình quá cũng tức mình... chửi lại, nhưng thường là chửi thầm, chửi lén sau lưng …
“Chửi” có thể xảy ra ở nhiều không gian, thời gian khác nhau từ trong gia đình, chợ búa, cơ quan cho đến ngay cả trên… chiến trường…
Ai xem bộ phim “Tam quốc chí” chắc không quên cảnh Gia Cát Lượng mang quân đánh Ngụy, Vương Lãng lại xuất hiện với vai trò quân sư cho Đô đốc Tào Chân và Phó đô đốc Quách Hoài. Vương Lãng tự tin mình có thể dụ hàng Gia Cát Lượng nên ra trước trận thuyết phục Gia Cát bỏ Hán về Ngụy. Nhưng Khổng Minh không những không bị khuất phục mà đã mắng lại Vương Lãng là gian thần nhà Hán, bỏ họ Lưu theo họ Tào là nghịch tặc. Vương Lãng uất quá từ trên ngựa ngã lăn xuống đất mà chết tươi.
Khi khiêu chiến mà đối phương yếu thế hơn, đóng cổng thành để cố thủ thì cứ vận “Tôn Tử binh pháp” khích tướng cho hắn mở cổng thành giao chiến, thế là cứ cho ba quân tướng sĩ xúm lại chửi mấy đời ông bà ông vãi của tướng giữ thành. Không bình tĩnh, vì tự ái cá nhân không lượng sức mình, mở cổng thành là mắc mưu ngay đối phương…
Ngày nay trên cái diễn đàn mạng thông tin toàn cầu, nhất là mạng FB có thể “tần suất” chửi cũng khá nhiều!
Cái sự “Chửi” có thể thể xem như là một thứ “vũ khí” còn sót lại của người dân thấp cổ bé họng đối với cường quyền bạo ngược nên cứ thể mà “nả” vào những tên “mặt trơ trán bóng” ăn tàn phá hại, bán nước hại dân, không biết lo cho dân cho nước mà chỉ lo thu vun, bòn mót của dân…
Đối tượng “chửi” trên thế giới mạng này rất đa dạng và “chất lượng chửi” cũng rất đa dạng! Đối tượng “bị chửi” dường như không nghe, hoặc giả có nghe nhưng giả lãng, hoặc nữa là mặt dày quá “đít thớt” nên cứ “phớt tỉnh Ăng-lê” để rồi lần sau hớ hênh phát ngôn “tào lao” để tiếp tục bị chửi, bị ném đá không thương tiếc.
Nói đến chuyện “chọc” cho thiên hạ chửi tôi nhớ một câu chuyện thời trẻ con. Năm đó, bà chị họ tản cư xuống ở nhờ nhà, có sinh một cháu bé. Khi sinh ra chắc do khó tính nên hay khóc đêm khiến cả nhà đâm ra mất ngủ theo.
Mẹ tôi không biết có “kinh nghiệm dân gian” gì đó bảo tôi rằng “Thằng Hai mầy lén qua nhà bà Mười bán cá bên hàng xóm lấy giấu cái gáo dừa, bả đi chợ về không có thế nào cũng chửi vài ngày, thằng bé con chị Nên mày nín ngay…”
Bà Mười vốn nổi tiếng hỗn nhất nơi tôi ở hồi đó chắc do cái “nghiện” bán tôm cá ngoài chợ Ông Bố của bà! Muốn chọc bà chửi rất dễ! Chỉ cần ném một hòn đá lên mái tole nhà bà ở là cả xóm nghe bà chửi suốt ba ngày ba đêm!
Thế là tôi lén qua nhà bà lấy “trộm” cái gáo dừa, vốn là một dụng cụ múc nước thường hay để ngoài lu nước thời ấy. Đi làm về mệt chỉ cần múc gáo dừa vào lu nước làm một hơi còn hơn cả uống nước trong chiếc tủ lạnh bây giờ! Mà nó cũng là vật rất “tầm thường” làm từ vỏ trái dừa già, nhà nào chẳng có mà lại nhắm nhà bà! Thế là bà chửi mấy ngày liền cả xóm lẫn người khuất mặt, quỷ thần cũng khiếp vía huống gì thằng cháu tôi! Thằng bé khóc đêm từ khi “nghe” bà Mười chửi cũng tịt khóc đêm luôn!
Mấy hôm sau khi thằng bé dứt khóc đêm, tôi lén qua mang trả lại bà cái gáo dừa. Bà chửi tiếp một trận nữa nhưng lần này có vẻ “hả hê” vì tác dụng của ngôn từ bà chửi đã chấn động Càn Khôn khiến cái “thằng ôn dịch, thằng mất dạy” phải chạnh lòng mang trả lại cho bà …
Nhiều người ngoại quốc có dịp qua du lịch “bụi” Việt Nam khi đi ngang qua những khu chợ cũng thường hay thấy cảnh mấy bà bán hàng ngoài chợ “chửi “ nhau có lẽ vì tranh nhau khách hàng hoặc những chuyện gì khác… Mấy bà tốc váy, vỗ mông, chỉ tay vào nhau xỉa xói với những ngôn từ mà bảo đảm tra vào Từ điển tiếng Việt e cũng rất … khó tìm!
Nhiều anh xe thồ khi nghe anh khách ngoại quốc bảo dừng xe để xem và hỏi “họ đang làm gì thế”, anh xe thồ trả lời tỉnh queo: “Ồ! Ở Việt Nam tụi tui vẫn thường hay biểu diễn văn nghệ quần chúng lắm đó! Chẳng cần sân khấu gì tất, chỉ cần hai nữ diễn viên già là mọi người được xem một buổi biểu diễn văn nghệ rất tuyệt vời! Hihi!!!”
Nói đến chuyện “Chửi mất gà”, tôi chợt nhớ một câu chuyện :
Có bà đang cho đàn gà gồm một gà mẹ và vài con gà con ăn. Khi quay vô nhà trở ra thì mụ ta phát hiện con gà mẹ lạc con đi đâu mất toi! Điên tiết, mụ ta mới đứng giữa sân quay đủ bốn phương tám hướng và chửi “kẻ nào ” dám bắt “con công, con phượng” của bà! Mụ ta chửi liên hồi bất tận và độc địa khiến hàng xóm chột dạ mà bản thân ông chồng của mụ cũng ái ngại. Rồi hàng xóm vốn dĩ “yêu hòa bình” mới bàn nhau mỗi người đem mỗi con gà của nhà mình nuôi qua “trả lại” cho mụ ta để được yên thân. Có một ông không tìm được con gà nào (vì có nuôi đâu mà tìm được) sẵn thấy có con vịt nhà cũng túm qua mang “trả lại” cho mụ với lời xin lỗi vì “trót dại” bắt trộm gà nhà bà! Mụ ta hí hửng ôm ba con gà và một con vịt vào nhà và chợt nghĩ : “Mình mất một con gà, mới chửi có một hồi mà thu lợi được ba con gà và một con vịt. Bây giờ mà hô mất một con lợn, cố chửi thì có khi chúng nó mang mấy con bò tới trả!” Thế là mụ ta ra trước sân và hô hoán “Tiên sư cha đứa nào bắt trộm con lợn của bà!”. Đến nước này thì ông chồng hiền lành của mụ chịu không thấu, túm lấy túi áo quần và chuẩn bị khăn gói ra đi. Ông chồng bảo :“Bà cứ mặc sức mà chửi, hết mất heo, rồi tui đi, bà tiếp tục chửi là mất … một ông chồng. Thiên hạ họ đền cho bà… bốn ông chồng nghen! Thôi tui đi đây…”
Thế là mụ ta bù lu bù loa vào gào thét thảm thiết : “Bớ làng nước ơi! Tui mất một ông chồng rồi….”
Tếu táo thêm về cái chuyện “chửi” và bản thân người viết bài này cũng từng bị nghe chửi nhiều nên lần này có bị bà con chửi nữa thì cũng cười khì …
Hoài Nguyễn
Thích
Bình luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét