*** Lời khuyên quý báu hơn.................................................................................... Ở Pháp, khi đi trong thành phố, tôi chỉ toàn đi xe buýt cho tiện lợi, (phần thì có thời gian ngắm cảnh sinh hoạt bên đường).
Thường xuyên, tôi gặp 1 thanh niên có vóc dáng nhỏ con, người Á Châu, gương mặt buồn bã, thất thểu, cứ âm thầm lên xuống xe buýt rồi cứ lầm lũi bước đi như đi giữa sa mạc, mùa hè cũng như mùa đông.
Một ngày, tôi cố tình xuống cùng trạm và đi song song, rồi tôi quay ra hỏi câu tiếng Pháp
"Cháu là người Việt Nam?".
Thanh niên trả lời lại bằng tiếng Việt:
"Dạ chào cô, con người Việt Nam ạ".
Rồi hỏi thăm qua lại, biết cháu tên Huynh, 30 tuổi, bệnh tâm thần, cô độc.
Thương tình, nên khi mùa đông, tôi mời đến nhà ăn mỗi tối tại nhà con trai tôi.
Qua tâm sự, biết Huynh khi còn trẻ, đã theo băng đảng phá phách ở Marseille đâm chém nhau, bị ở tù 5 năm.
Khi ra tù, về VN thăm cha, ông nội, nhưng bị cô chú mắng chửi, khinh bỉ vì đã đi 15 năm rồi nay trở về không có 1 xu và bị cô chú đuổi ra khỏi nhà. Huynh đành trở lại Pháp trước dự định.
Về Pháp, do bị sốc, bị trầm cảm, Huynh đánh ông chồng của mẹ, chuyển đến vùng tôi ở, cắt đứt liên lạc với mẹ.
Sau khi được điều trị trong bệnh viện tâm thần một thời gian, đã ổn định, được chính phủ Pháp cấp 1 nơi ở tiện nghi nhưng không cho mẹ biết vì còn tự ái, giận mẹ.
Nghe xong hết tâm sự, tôi hỏi Huynh :
- Khi con đi tù, ai là người thăm ?.
- Dạ mẹ.
- Tuần mấy lần ?
- Dạ 3 lần
- Mẹ thăm cho gì?.
- Dạ tiền, vì không cần đem đồ ăn, chỉ cần tiền để thuê truyền hình, chơi game hoặc dụng cụ cần thiết.
- Ngoài mẹ, có ai thăm con không?.
- Dạ không
Sau khi hỏi xong, tôi kết luận:
- Cô không biết mẹ con là ai, nhưng nghe con kể, cô quả quyết là mẹ con là người có trái tim nhân hậu hơn cô nhiều lắm, vì nếu con cô mà như thế, thì cô sẽ bỏ luôn, chẳng thăm nom làm gì, chứ đừng nói đến cho tiền, cho sống cực khổ mới biết thân..., Hơn nữa, cô thường đi ngang trước cửa nhà tù, cô thấy người thân đến thăm chờ ở cửa nhà tù, thấy tội lắm, mùa hè thì nắng, vì ở đó không có cây, bóng mát, mùa thu gió, mưa rả rích, mùa đông lạnh lẽo, chưa kể là xe cộ qua lại, mọi người thấy mặt, thật xấu hổ....! Bây giờ mới biết trong số đó, có mẹ con, cô thương cho mẹ con quá, con cho cô số diện thoại địa chỉ, để cô kết bạn.
Huynh trố mắt nhìn tôi. Tôi nói tiếp :
- Cô chỉ mới cho con ăn có vài bữa ăn tối mà con nói "cảm ơn", khen cô là 1 người nhân hậu. Trong khi mẹ con khổ biết bao nhiêu vì con, thì con lại không cần biết đến.
Bây giờ con có tiền (tiền trợ chính phủ Pháp cấp cho người bệnh là 30 triệu đồng/tháng) dư dả, sống thoải mái, có nơi ở tiện nghi, thì lại phủi tay, không cho mẹ biết tin tức về con.
Con có biết mẹ trông mong tin con từng ngày không?. Cô cứ suy ra cô: chỉ 1 ngày không gặp con cô, là cô nóng ruột, phải điện thoại hỏi thăm. Huống chi con đã không cho mẹ tin tức đã 1 năm nay, con có biết là hàng đêm mẹ con khóc thầm không?
Gương mặt Huynh bắt đầu thay đổi: Bây giờ con phải làm gì?.
Tôi bày cho Huynh:
Lễ Giáng Sinh sắp đến, con gọi điện thoại xin lỗi, hỏi thăm và hẹn gặp mẹ. Ngày gặp, nhớ mua 1 món quà mà mẹ ưa thích, mẹ không cần gì của con đâu, nhưng gọi là tấm lòng của con. Trước khi ra về hỏi mẹ là: mẹ cần tiền, con đưa cho mẹ xài...! Con hỏi vậy cho mẹ vui lòng, an tâm là con có tiền sống thoải mái thôi chứ cô tin là mẹ con có lương hàng tháng, không cần tiền con đâu (vì những người bệnh ở Pháp có tiền trợ cấp sống dư dả)
Vài tuần sau gặp lại Huynh, với gương mặt tươi tỉnh, khác hẳn thời gian trước, miệng tủm tỉm cười kể là đã điện thoại xin lỗi mẹ, rồi từ đó, Huynh gọi điện thoại và gặp mẹ thường xuyên.
Huynh thú nhận rằng: thời gian trước, một phần lớn buồn khổ là do không gặp mẹ, nhưng cộng thêm vào đó là giận mẹ, nên không muốn gặp. Từ khi tôi giải thích và chỉ cách, nên Huynh tìm được lối thoát...!
Rồi một ngày, tôi gặp được mẹ Huynh, bà ta rươm rướm nước mắt, nắm tay tôi cảm ơn tôi rối rít.....!
Câu chuyện thật sự là thế đấy bạn ạ.
Qua đó, tôi nhận ra rằng: Giúp người, không chỉ cứ là vật chất mà lời khuyên nhiều khi lại quý giá hơn nhiều.
Hãy dành chút thời gian lắng nghe và cho lời an ủi, khuyên bảo với những người thiếu may mắn nhiều khi quan trọng hơn rất nhiều so với việc ta cho họ một số tiền.
Bài: Nguyen Thi Ha Lieu (Việt kiều Pháp)