Nguồn gốc của Nho giáo
Nho giáo bắt nguồn từ thời thái cổ ở nước Tàu. Thuở đó, vua Phục Hy, là một Thánh Vương đắc đạo, trông thấy được các hiện tượng trong cõi Hư linh. Ngài nhìn thấy Long Mã có bức đồ trên lưng gồm những chấm đen trắng, nổi lên giữa sông Hoàng Hà, mà biết được lẽ Âm Dương, chế ra Tiên Thiên Bát Quái, cắt nghĩa sự biến hóa của Trời Đất để làm nguyên tắc dạy người. Những vạch đơn giản của Bát Quái ấy được xem là đầu mối của văn tự về sau này.
Vua Phục Hy lại còn dạy dân nuôi súc vật để sai khiến, làm lưới để đánh cá, nuôi tằm lấy tơ làm quần áo, chế đàn cầm đàn sắt, dạy dân lễ nghĩa, phép cưới vợ gả chồng (dùng một đôi da thú làm lễ, vì ở thời kỳ ngư lạp, da thú là quí), từ đó mới có danh từ gia tộc. Sau, đến đời vua Hoàng Đế (Hiên Viên Huỳnh Đế), mới chế ra áo mão, và sai Ông Thương Hiệt chế ra chữ viết.
Đó là khởi thủy của Nho giáo, thành hình do thực tế kết hợp với huyền lý của Trời Đất. Nho giáo lấy đạo Trời làm khuôn mẫu, dạy người thuận theo lẽ Trời, còn nghịch với Trời thì phải chết. Nho giáo đã giúp nước Tàu thời Thượng cổ được hòa bình, dân chúng trên thuận dưới hòa, tạo ra một nền luân lý có căn bản vững chắc. Tiếp theo đến đời nhà Châu, vua Văn Vương và con của Ngài là Châu Công Đán, tiếp tục khuếch trương Nho giáo, diễn giải Kinh Dịch do Phục Hy truyền lại, hệ thống hóa lễ nghi và sự tế tự.
Vào cuối thời nhà Châu, đời vua Linh Vương, năm 551 trước Tây lịch, có Đức Khổng Tử ra đời. Đức Khổng Tử chỉnh đốn và san định kinh sách, phục hưng Nho giáo, tạo thành một giáo thuyết có hệ thống chặt chẽ, xứng đáng đứng ngang hàng với Lão giáo và Phật giáo. Đức Khổng Tử được xem là Giáo Chủ Nho giáo.
Đạo Nho, kể từ khi Đức Khổng Tử phục hưng, nối tiếp về sau được các vị Thánh nhân như Tử Tư, Mạnh Tử, phát huy đến độ rực rỡ, rồi sau đó dần dần suy tàn theo thời gian, vì không có bậc tài giỏi nối tiếp xiển dương, cuối cùng trở thành một môn học từ chương dành cho sĩ tử leo lên đường hoạn lộ. Cái tinh túy của Nho giáo đã bị vùi lấp và Nho giáo được sử dụng một cách lệch lạc theo ý riêng của kẻ phàm trần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét