Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Tài......chửi của người Việt !

 *** Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Nhưng, đã.......chửi nhau thì dịu dàng sao được ? Người nghèo hay chửi lộn đã đành vì nghèo túng, thất chí.....rất dễ làm con người bị stress ! Vậy, sao người giàu cũng thích chửi nhau ? Có lẽ là do : GATO (ghen ăn tức ở), luôn coi mình là người......trời, mình đã ngồi trên đầu thiên hạ rồi mà còn có đứa láo xược dám mon men tới ngồi cạnh bên ! Hoặc : nó mà tài giỏi hay giàu hơn mình ? Nói chung, đó là cách bày tỏ suy nghĩ của 1 cá nhân, khẳng định ta chẳng thua ai, mà lại.....không tốn tiền, không đổ máu (nếu chửi ngay trước mặt nó thì có khi bị đục phù mỏ !) mà lại có thêm chuyện để tám......

Chửi xuất hiện từ khi nào?
Thừa nhận chửi là một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội, không phân biệt giới tính, trình độ, tuổi tác; thậm chí có những người coi đó là thói quen khi câu cửa miệng luôn kèm theo một lời chửi, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, bản chất của sự chửi xuất hiện rất sớm. Theo đó, ngay từ thời nguyên thủy, con người ứng xử với tự nhiên theo hai hướng: Tự nhiên có lợi (mưa thuận gió hòa) và tự nhiên có hại (mưa bão, ngập lụt, hạn hán). Tuy nhiên, khi đó, trí tuệ con người chưa phát triển nên họ nghĩ các hiện tượng tự nhiên trừu tượng thành thánh, thành thần. Họ cũng chưa thể nghĩ ra cách khắc chế những hiện tượng tự nhiên có hại.

Cùng với cách nghĩ ấy thì con người nguyên thủy coi cái gì nói ra cũng thành hiện thực, vì thế có cầu khấn và nguyền rủa (để những hiện tượng gây hại sẽ bị mất đi, tiêu hao đi; cũng chính nguyền rủa đã tạo ra phù chú). Do đó, có thể khẳng định, chửi ra đời từ rất sớm và "tất cả các dân tộc đều có nguyền rủa và chửi".
Vì sao người ta lại chửi?
Theo ông Vỹ, ban đầu, chửi nhằm mục đích khắc chế những hiện tượng tự nhiên tiêu cực. Sau này, chửi còn để giải tỏa những bức xúc trong các mối quan hệ xã hội. Cũng có khi, người ta dùng chửi như một yếu tố nghệ thuật ngôn từ để thay thế pháp luật.
Ví như lúc bị mất con gà, người ta chửi rằng: "Tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu kế đợi đã ăn hết của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bay ăn chi mà ăn ác nhơn ác nghiệp, ăn một lần một chục rưỡi con gà. Bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh, bay ăn cho ngả miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bay ngồi đó mà ăn. Đồ cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm...".
Cũng theo ông Vỹ, thuở xưa, người ta chửi có vần điệu. Điều này làm tăng thêm giá trị của nó, khiến người ta dễ đọc, dễ nghe, dễ nhớ hơn.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc thì cho rằng, sở dĩ của việc chửi là do con người tin có ma quỷ. Do đó, người ta dùng chửi như một cách để trấn áp ma quỷ gây hại cho con người. Chẳng hạn như mùng một Tết Nguyên đán, có một người xấu tính hoặc nhà có tang đến xông đất gia chủ, quan niệm dân gian coi đó là một điềm xui xẻo. Vậy nên, gia chủ dùng cách chửi bới để mong xua đuổi những cái xấu đó đi. Hay việc vừa mở hàng, nhà buôn đã bị mặc cả, "cò kè bớt một thêm hai", thậm chí khách không mua hàng nữa thì nhà buôn sợ bị "xúi quẩy" nên cũng dùng cách chửi để xua đuổi, mà còn đốt phong long để triệt vía xấu nữa chứ ! Tóm lại, chửi dể trút hết bực dọc trong người, cho cái đầu nhẹ đi để còn tính chuyện làm ăn, khổ là, mình chửi thì nó chửi lại, vì vậy, cuộc chiến này có vẻ không có hồi kết, mua vui cho thiên hạ, người chửi và bị chửi cùng đọc giả và người nghe cũng.......được miễn phí ! Cho qua thời dịch vật !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét