*** Danh xưng " 3 miền " !
Không ít người trẻ thời nay được học sử: "Vua Bảo Đại vào tháng 3/1945 đổi sang gọi Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ vì gọi Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ mang tính chất kỳ thị vùng miền" (?).
&1&
Phải nói về danh xưng "ba miền", theo nghĩa địa lý hiện nay (Nam, Trung, Bắc) cho có đầu có đũa cái đã.
Hồi thời vua Lê Thánh Tôn, nước Việt mới tới Phú Yên, nghĩa là chỉ có miền Bắc, và miền Trung dở dang (chưa trọn miền Trung), thành thử không có "ba miền".
Đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Đàng Trong mở rộng đến Cà Mau nhưng hùng cứ một cõi, không ăn nhập với Đàng Ngoài, thành thử cũng không thành "ba miền".
Chỉ sau khi vua Gia Long thống nhứt sơn hà thì lãnh thổ chữ S mới xôm tụ, đề huề gồm đủ Nam / Trung/ Bắc.
1808, vua Gia Long định lại bờ cõi mà phân địa giới khu vực: ngoài khu vực Kinh thành ở miền trung, chia làm hai miền bắc nam: khu vực phía bắc gọi là "Bắc Thành", khu vực phía Nam gọi là "Gia Định Thành" bao trùm toàn miền nam gồm 5 trấn (Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, An Giang).
&2&
Đến cột mốc "1834" mới thực đáng chú ý hơn.
Chú ý thứ nhứt: Vua Minh Mệnh phân ranh địa giới thành các TỈNH, và khái niệm "tỉnh" được xài cho đến hiện nay (không còn xài cách gọi "đạo", "dinh", "trấn"... của bao nhiêu đời xửa xưa gì nữa)! Suốt 187 năm (tính cho đến năm 2021), địa giới mỗi tỉnh mỗi thời - dĩ nhiên - có thay đổi (nhập vào, tách ra)
Chú ý thứ nhì: Dưới thời vua Minh Mệnh xuất hiện cách gọi ba miền là Bắc Kỳ, Trung Kỳ (hồi đó gọi tỉ mỉ hơn: Hữu Kỳ, Trực Kỳ nằm nơi kinh đô, và Tả Kỳ - gộp chung lại là "Trung Kỳ"), và Nam Kỳ (toàn miền nam gồm 6 tỉnh, nên quen gọi "Nam Kỳ Lục tỉnh": Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).
&3&
Tây vào VN, họ định danh ba miền bằng tiếng Tây "Tonkin", "Annam", "Cochinchine", làm gì có miếng tiếng Việt nào ở trỏng! Tây dựa theo cách phân chia địa giới sẵn có của triều đình Nhà Nguyễn (thời vua Minh Mệnh) để áp cách đặt tên Tây: "Nam Kỳ" đổi thành "Cochinchine", "Trung Kỳ" đổi thành "Annam", Bắc Kỳ đổi thành "Tonkin".
Trong khi đó, người Việt vẫn giữ cách gọi chính thức của tiền nhân chúng ta - bằng tiếng Việt rành rành là "Bắc Kỳ", "Trung Kỳ", "Nam Kỳ" - suốt hơn một thế kỷ, từ năm 1834 đến năm 1945.
&4&
Cách gọi Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ là do tiền nhân triều Nguyễn đặt ra, nói vua Bảo Đại "bỏ đi vì nó mang tính kỳ thị vùng miền" thì có khác nào vua Bảo Đại chửi tông tổ chính mình?
Theo hồi ký của cụ Trần Trọng Kim, vua Bảo Đại vào tháng 3/1945 có đổi sang gọi "Bộ" thay vì "Kỳ", nhưng không phải với lý do của giới "giết sử" bịa ra mà chìu theo CÁCH GỌI "BỘ" CỦA QUÂN PHIỆT NHỰT BỔN!
Nhựt Bổn sau khi đảo chánh Pháp, cầm trịch, và thống sứ Nhựt Nashimura là người đổi cách gọi "Kỳ" (Nam, Trung, Bắc) truyền thống của người Việt sang cách gọi "Bộ" (Nam, Trung, Bắc).
Chánh phủ của vua Bảo Đại, được Nhựt bảo trợ, nên "vuốt mặt phải nể mũi": tạm thời không đổi "Bộ" (theo cách gọi của Nhựt Bổn) trở lại thành "Kỳ" của tiền nhân, trong khi đó dồn công sức thực hiện một số cải cách, chẳng hạn, trong giáo dục...
Điều cần chú ý ở đây là: cách gọi KỲ (Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ) ĐÃ CÓ TRƯỚC hơn một thế kỷ lận, những 111 năm (xuất hiện năm 1834) sau đó mới nảy nòi cách gọi Bộ (Nam bộ, Trung bộ, Bắc bộ) (xuất hiện trong năm 1945).
&5&
Nhà nước VNDCCH, sau đó, sử dụng cách gọi "Bộ", nghe riết thành quen. Quen đến mức nhiều người thời nay cứ tưởng "Nam Bộ" là cách gọi ... có từ thuở mở cõi miền Nam.
Hai chữ "Nam Bộ" xuất hiện mới được mấy chục năm thôi giữa dòng lịch sử dài HƠN 300 NĂM của đất phương Nam (với nhiều tên gọi về vùng đất này, trong đó danh xưng "Nam Kỳ lục tỉnh" có tuổi đời cách đây 187 năm, gần hai thế kỷ rồi đa).
Thành thử nếu ghi như ri: "Nguyễn Đình Chiểu viết Lục Vân Tiên phản ảnh khí chất con người Nam Bộ lúc bấy giờ". Xét thiệt nghiêm túc thì câu nói như vậy là... trật!
Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu sống khôn thác thiêng, nếu cụ thử ghé về dương gian ắt cụ phải giật mình, "Bây viết Nam Bộ là cái giống gì? Thuở sanh tiền, ta chớ hề nghe nói tới chữ đó. Nó ... nằm ở đâu?".
Nên nhớ: cụ đồ Chiểu qua đời năm 1888, bấy giờ là Nam Kỳ, mãi 57 năm sau mới nảy nòi ra tên gọi "Nam Bộ".
Viết cho đàng hoàng, cho tử tế, phải là: "Nguyễn Đình Chiểu viết Lục Vân Tiên phản ảnh khí chất con người NAM KỲ lục tỉnh" (rồi chú thích "nay gọi là Nam Bộ").
Đặt cách gọi của đời sau trùm lên đầu tiền nhân, có khác nào con đòi đẻ ra cha, cháu đòi đẻ ra ông!
MATTHEW N- Chương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét