Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

Uống thuốc đúng cách :

 


Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

Uống thuốc sao cho đúng cách

Như chúng ta đã biết thuốc là con dao 2 lưỡi, ngoài tác dụng chính để trị bệnh nó còn có một hay nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn, âm thầm chờ đợi thể hiện tác hại xấu khi ta dùng thuốc không đúng cách. Một khi tác dụng có hại kia có cơ hội nó sẽ tạo ra cho người dùng những phản ứng khó chịu như buồn nôn, chóng mặt, bức rứt khó chịu, ngứa ngáy nổi mề đay, ban, suy hô hấp, viêm da hoại tử hay thậm chí tử vong.



Uống thuốc đúng cách

Để hạn chế tối đa những tác hại do thuốc, chúng ta cần lưu ý những điểm sau đây:

Lưu ý thời điểm uống thuốc: chọn thời điểm uống thuốc hợp lý để đạt được nồng độ cao trong máu, đạt được hiệu quả. Khi bác sĩ bảo bạn uống thuốc ngày 3 lần có nghĩa là bạn phải chia thời gian cho mỗi lần uống ít nhất cách nhau 5 giờ. Nếu bạn chỉ uống cả 3 lần vào ban ngày có nghĩa là khoảng thời gian 8 giờ buổi đêm bạn không đảm bảo nồng độ thuốc trong máu dẫn đến hiệu quả điều trị giảm.

- Lưu ý các thuốc kích thích thần kinh trung ương, các thuốc lợi tiểu nên uống vào ban ngày để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các thuốc kháng viêm nhóm corticoid: thường uống 1 liều vào 8 giờ sáng để duy trì được nồng độ ổn định trong máu chứ ít khi chia nhỏ nhiều lần trong ngày.

- Bạn cũng cần phải biết thêm rằng: uống thuốc vào lúc đói, thuốc chỉ bị giữ lại ở dạ dày 10 - 30 phút, với pH ≈ 1; uống lúc no (sau ăn), thuốc bị giữ lại 1 - 4 giờ với pH ≈ 3,5. Một khi bác sĩ điều trị dặn bạn phải uống thuốc lúc đói thì điều đó có nghĩa rằng loại thuốc mà bạn đang dùng nhạy cảm với acid dạ dày làm giảm tác dụng của thuốc (ví dụ như ampicilin, erythromycin) hay các dạng bào chế tan trong ruột, các dạng viên phóng thích chậm. Ngoài ra, những thuốc nên dùng vào lúc no như thuốc nhóm kháng viêm nonsteroid gây kích thích dạ dày, viêm loét đường tiêu hóa hay ngược lại các thuốc tráng dạ dày như sucralfat gel thì nên dùng lúc chưa ăn sẽ cho hiệu quả tốt hơn.

Một sai lầm mà chúng ta hay mắc phải đó là nghiền nát thuốc hoặc chia thuốc ra làm ½ hay ¼ để uống cũng làm giảm đáng kể tác dụng của thuốc. Nhất là dạng thuốc phóng thích hoạt chất liên tục theo tốc độ có kiểm soát trong thời gian dài (thường là 12 giờ) thì nên uống nguyên cả viên.

Nước lọc là thức uống thích hợp nhất cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương kỵ khi hòa tan thuốc, còn là phương tiện để dẫn thuốc (dạng viên) vào dạ dày - ruột, làm tăng tan rã và hòa tan hoạt chất, giúp hấp thu dễ dàng. Vì vậy, cần uống đủ nước (100 - 200 mL cho mỗi lần uống thuốc) để tránh đọng viên thuốc tại thực quản, có thể gây kích ứng, loét.

Hạn chế uống nhiều loại thuốc cùng lúc, nếu bắt buộc phải uống nhiều loại thuốc thì nhất định phải sắp xếp thời gian và số lần cho hợp lý. Uống mỗi một loại thuốc ít nhất là phải cách nhau khoảng một giờ.


Các loại nước không nên dùng để uống thuốc

- Nước trái câydùng nước nho ép và một số nước trái cây khác để uống thuốc có thể làm giảm tác dụng và làm tăng phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh, lý do nước trái cây có thể ức chế các men trong quá trình hấp thụ thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh tim mạch và thuốc chống nấm.

- Cà phê, nước trà, cô-ca: trong thời gian đang điều trị bằng thuốc, nếu dùng thuốc bằng nước trà hay cà phê thì có thể làm giảm tác dụng của thuốc.

Sữa: protein và canxi có sẵn trong sữa có thể làm cản trở mức hấp thu của một số loại thuốc kháng sinh, do đó không nên dùng sữa để uống thuốc.

- Bia, rượu và thức uống có cồn: trong khi đang dùng thuốc, nhất là loại thuốc có hoạt chất là acetaminophen như: padol, panadol… nếu uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy gan. Ngoài ra, rượu còn hạn chế tác dụng chữa bệnh của các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh thần kinh và làm tăng tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét