Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2023

AI nguy hiểm như thế nào ? (R)


*** Trông mặt mà biết đủ thứ !

Vào một buổi chiều đầu năm 2017 tại trụ sở Facebook ở Menlo Park, California, kỹ sư phần mềm Tommer Leyvand ngồi trong phòng họp, đầu đội chiếc mũ kết, trước vành mũ buộc chiếc điện thoại di động, mặt camera hướng ra ngoài. Căn phòng họp có chừng chục người nói cười như trước bất kỳ cuộc họp nào khác.

Khi buổi demo bắt đầu, mọi người im lặng; Leyvand quay sang nhìn người đang ngồi đối diện, chiếc camera của điện thoại gắn trên mũ như con mắt của một vị thần: chỉ hai giây, giọng nói nữ cất lên từ chiếc điện thoại "Zach Howard". 

Cứ thế, khi Leyvand nhìn đến ai, chỉ mấy giây sau, máy sẽ đọc vanh vách tên của người đó, không sai trật. Thoạt tiên, mọi người cứ nghĩ đây là một trò đùa mới nhưng sau đó ai cũng ngỡ ngàng vì khả năng nhận diện gương mặt của phần mềm cài trên chiếc điện thoại của Leyvand.

Ngay sau đó trong nội bộ Facebook nổ ra các cuộc tranh luận gay gắt: có nên thương mại hóa ứng dụng nhận diện này không? Nếu dựa vào công nghệ nhận diện gương mặt nói trên để chế tạo ra cặp kính, nhìn bề ngoài thì bình thường nhưng người đeo có thể nhận biết tên tuổi của hầu hết mọi người sẽ tiếp xúc!

Một cặp kính như thế sẽ bán chạy như tôm tươi, sẽ giúp người có khuyết tật thị giác tự tin giao tiếp với mọi người. Tuy nhiên loại công nghệ này có nguy cơ xâm phạm sự riêng tư của con người, nhất là khi người bị nhận diện không hề hay biết. Chắc chắn dư luận sẽ phản đối dữ dội.

Nhớ lại ngày trước, Facebook giới thiệu chức năng rà chuột lên hình sẽ biết ngay tên người đó, dù còn sơ khai vẫn bị phản ứng. Một vụ kiện tập thể năm 2015 ở bang Illinois cuối cùng làm Facebook tốn mất 650 triệu đô la và phải bỏ tính năng này.

Sáu năm trôi qua, Facebook nay đổi tên thành Meta vẫn chưa triển khai cặp kính thần kỳ này. Tommer Leyvand thì đã chuyển sang làm cho Apple, bộ phận phát triển kính tăng cường thực tế Vision Pro.

Từ năm 2011, Google đã phát triển một ứng dụng di động cho phép người dùng chụp ảnh một người rồi bấm nhận dạng là biết ngay tên, số điện thoại, địa chỉ email của người đó. Mặc dù đã cẩn thận đặt ra những rào chắn như người dùng phải nhấn vào ô đồng ý thì thông tin của họ mới trở nên truy cập được nhưng một phần mềm như thế rất dễ vi phạm tính riêng tư của mọi người.

Chỉ mấy tháng sau, chủ tịch Google lúc đó là Eric Schmidt cho biết họ có công nghệ đó thật nhưng đã quyết định xếp nó vào kho, không đem ra sử dụng. Schmidt nói tại một cuộc phỏng vấn trực tuyến: "Theo chỗ tôi biết, đây là công nghệ duy nhất Google xây dựng xong và cân nhắc kỹ rồi quyết định ngưng lại".

Con dao hai lưỡi :

Không chỉ ngưng các dự án sản xuất thiết bị hay ứng dụng nhận dạng, các hãng công nghệ hàng đầu còn mua lại các công ty khởi nghiệp lăm le giới thiệu công nghệ nhận dạng kiểu này ra công chúng.

Năm 2010, Hãng Apple mua lại công ty nhận diện gương mặt Polar Rose của Thụy Điển đang hứa hẹn sớm có sản phẩm. Năm 2011 Google mua lại một công ty nhận diện gương mặt đang hợp tác với nhiều cơ quan liên bang tên là PittPatt. Năm 2012 Facebook mua lại một hãng Israel, Face.com cũng hoạt động trong lĩnh vực nhận diện này. Trong các vụ mua lại này, tất cả đều mua về rồi ngưng cung cấp dịch vụ nhận diện ra bên ngoài. Bên trong họ có tiếp tục nghiên cứu không thì không ai biết.

Hiện nay Facebook, Google và Apple chỉ triển khai công nghệ nhận diện ở mức vô hại: dùng để mở khóa điện thoại hay làm công cụ thông minh để sắp xếp ảnh lưu trên điện thoại di động theo gương mặt. Tuy nhiên những năm gần đây, các công ty nhỏ, xông xáo hơn đã tạo ra những bước đột phá trong công nghệ nhận diện gương mặt như Clearview AI và PimEyes.

Các công ty này biết dựa trên những thành tựu trước đó của các hãng khác, công khai dưới dạng mã nguồn mở kết hợp thu thập hình ảnh của hàng tỉ người qua các mạng xã hội và các bước đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để tạo ra những sản phẩm dường như chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng.

Sản phẩm đã đưa ra của Clearview AI và PimEyes là bộ máy tìm kiếm ảnh chân dung dựa trên hàng triệu ảnh (PimEyes) và hàng tỉ ảnh (Clearview AI) thu thập từ các trang web công khai. PimEyes cung cấp dịch vụ này cho công chúng, còn Clearview AI chỉ cung cấp cho cảnh sát Mỹ. 

Cả hai dựa vào một hình của một nhân vật nào đó, có thể tìm hàng loạt hình khác của cùng người này, kèm theo các thông tin về người đó, từ tên tuổi, chân dung mạng xã hội, mối quan hệ bạn bè cũng như các thông tin mà người đó không hề muốn cho ai biết. 

Đã từng có những đoạn phim minh họa quy trình điều tra tên tuổi một người bất kỳ bắt gặp trên đường phố; chỉ cần vài ba thao tác, PimEyes có thể cho chúng ta biết người đó là ai, làm ở đâu, từng có những phát biểu gì trên mạng.

Rõ ràng trong tương lai, những ai nắm công nghệ này sẽ có quyền năng hơn những người không có. Ở những dạng đơn giản nhất, nó có thể giúp ta nhớ tên một người từng được giới thiệu qua, hoặc trổ tài đoán tên bất kỳ cô gái nào trong một buổi tiệc. Ở dạng chống tội phạm, nó giúp cảnh sát nhanh chóng truy tìm kẻ tình nghi; nếu kết nối với hệ thống camera an ninh khắp thành phố, nó có thể giúp xác định vị trí của bất kỳ ai cần tìm.

Ngược lại, nó dễ dàng trở thành công cụ hỗ trợ cho bọn lừa đảo hay kẻ tống tiền. Chỉ cần đeo kính, đứng trước các phòng trọ ngắn hạn, kẻ xấu có thể thu thập đủ thông tin để tống tiền các cặp ngoại tình, chẳng hạn.

Hiện nay Hãng Meta đang đầu tư mạnh cho cặp kính thực tế ảo nhưng trong các ứng dụng thử nghiệm, chưa thấy hãng này tích hợp chức năng nhận diện gương mặt người vào kính. Andrew Bosworth, giám đốc kỹ thuật của Meta, cho rằng loại bỏ chức năng nhận diện ra khỏi kính thực tế ảo là một cơ hội bị bỏ lỡ để nâng cao trí nhớ cho mọi người. 

Thực tế nhiều lúc chúng ta dự một sự kiện đông người, bắt gặp nhiều khuôn mặt quen quen nhưng không tài nào nhớ ra tên của họ. Chức năng nhận diện gương mặt có thể giúp làm điều này dễ dàng.

Tuy nhiên khả năng công nghệ nhận diện gây ra tranh cãi, kiện tụng là rất lớn. Chừng nào sức ép công luận đòi tôn trọng sự riêng tư vẫn còn đó thì các hãng lớn như Facebook, Google hay Apple chưa dám liều lĩnh tung ra công nghệ này. 

Nhưng nên nhớ họ đang nắm công nghệ và một ngày nào đó thay đổi chính sách để khai thác sức mạnh của vũ khí nhận diện gương mặt - lúc đó sự riêng tư, tính ẩn danh của mọi người sẽ biến mất./.

Hoan Ton-That, giám đốc điều hành Clearview AI, minh họa công nghệ nhận diện gương mặt của hãng với hình ảnh của chính ông. Ảnh: AP

Phóng viên tờ New York Times được người đồng sáng lập Clearview, Hoan Ton-That, biểu diễn cặp kính nhận diện dùng ứng dụng của công ty.

Cặp kính thực tế tăng cường do Hãng Vuzix sản xuất giá chỉ 999 đô la, nhưng khi kết nối với cơ sở dữ liệu gồm 30 tỉ bức ảnh của Clearview qua ứng dụng A.R., nó trở thành một vũ khí mạnh, có thể nhận diện bất kỳ người nào trong khoảng cách chừng 3m. Mặc dù hiện nay chưa công khai cho công chúng sử dụng, A.R. đang được Không quân Mỹ cấp kinh phí nghiên cứu để ứng dụng tại các căn cứ quân sự.

Khi đeo kính vào, phóng viên nhìn vào gương mặt của người đối diện, một vòng sáng xanh lục xuất hiện quanh gương mặt và khi phóng viên nhấn vào cạnh bên của cặp kính, một ô vuông xuất hiện trên mặt kính bên phải, nhấp nháy dòng chữ "Đang tìm….".

Chẳng mấy chốc ô vuông lấp đầy các hình chân dung, phóng viên điều khiển kéo xuống và bấm vào một bức hình bất kỳ, dòng chữ "CEO của Clearview, Hoan Ton-That" xuất hiện. Đường dẫn bên dưới cung cấp đầy đủ hơn thông tin về ông này.

Khi quay sang nhìn vào nhân viên giao tế của Clearview, hàng loạt ảnh kèm thông tin xuất hiện kể cả mấy bức ảnh nhân viên này sau đó nhắc với phóng viên là ảnh riêng tư, không nên nêu ra công khai.

Phóng viên cho biết cô muốn đeo kính đi ra ngoài phố để thử nghiệm nhưng Clearview không đồng ý vì kính cần kết nối WiFi và sợ bị người ngoài phát hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét