Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

Kịch bản cho gameshow :

 

GAME SHOW THỰC TẾ HAY SỰ DÀN DỰNG CHUYÊN NGHIỆP?

Những năm gần đây, các chương trình game show thực tế trở nên có sức hút với khán giả xem truyền hình bởi tính mới mẻ, nội dung phong phú từ ca hát, vũ đạo, hài kịch cho đến trải nghiệm cá nhân, nấu ăn, thể thao thu hút nhiều người tham gia ở đủ mọi lứa tuổi, vùng miền, từ người bình thường cho đến các nhân vật nổi tiếng, Các game show thực tế này còn được chiếu vào các khung giờ vàng của các đài truyền hình khiến cho tỉ lệ người xem đã cao lại càng cao hơn. Tuy nhiên bên cạnh hiệu quả giải trí, cũng không ít người nhận ra những góc khuất của loại hình chương trình này bởi lẽ dù nói là chương trình thực tế nhưng sự dàn dựng là khá lộ liễu.
Chương trình thực tế tuy không nói rõ ràng nhưng ngay cách tổ chức và giới thiệu về nó đã vô hình chung miêu tả rằng đây là một chương trình hoàn toàn chân thực, không hề có dàn dựng và mọi chi tiết trong đó đều diễn ra tự nhiên. Thế nhưng sau khi theo dõi nhiều về các game show thực tế chắc hẳn khán giả sẽ dễ dàng nhận ra tất cả đều phải lên kịch bản sẵn và có bàn tay của đạo diễn để chương trình diễn ra một cách suôn sẻ, “mượt mà”. Họ là người sẽ vẽ ra câu chuyện, tình huống, can thiệp vào cả lời thoại, nét mặt, phản ứng, cảm xúc của những thí sinh tham gia không khác gì quay một bộ phim. Thậm chí những người tham gia trong game show thực tế còn phải làm diễn viên với một “nhân cách” được chuẩn bị trước đó theo ý đồ của nhà sản xuất. Chẳng hạn như chương trình Masterchef Mỹ, mùa nào cũng có thí sinh đóng vai một “tên khốn” với thái độ hết sức ngạo mạn, thô lỗ. Nhân vật phản diện này bị khán giả rất ghét, họ luôn mở tivi để xem nhân vật này đã bị loại hay chưa. Và, đặc biệt thay, “nhân cách” phản diện lại luôn bám trụ đến cuối chương trình!
                   Anh chàng Christian Collins trong Masterchef America season 2- một nhân vật "phản diện" điển hình
Trong các game show mang tính cạnh tranh, việc nhấn mạnh vào những cá nhân có tính “ích kỷ, tham lam” và nhiều tật xấu khác luôn tạo ra sức hấp dẫn với người xem. Truyền hình thực tế du nhập về Việt Nam, chiêu trò này cũng được các nhà sản xuất học theo.
Để tăng thêm sức hút đối với khán giả, game show thực tế nào thường cũng phải có những mâu thuẫn, kịch tính. Và dù có ngây thơ đến mấy người ta cũng dễ dàng nhận ra “sự sáng tạo” của các nhà biên tập trong công tác này. Họ có thể dễ dàng biến một đoạn nói chuyện dài thành vài câu ngắn gọn bằng cách cắt ghép câu nói, lồng ghép vào ngữ cảnh không phù hợp, chuyển biến thái độ của người chơi, gây hiểu nhầm cho khán giả. Johnny Bananas tham gia “The Real World” cho biết: "trong một phân cảnh, tất cả mọi người đều tức giận, nhưng người biên tập chỉ chú ý vào tôi, đưa mỗi tôi lên như thể chỉ mình tôi có thái độ không hay lúc đó”. Hay Nene Leaks - một ngôi sao truyền hình tham dự show “Real Housewives of Atlanta” sau khi rời khỏi chương trình đã lên tiếng tố cáo nhà sản xuất chỉ đưa những hình ảnh, lời nói trong lúc bực mình của cô lên màn ảnh, biến cô thành “một phụ nữ da đen xấu tính lúc nào cũng tức giận”.
Nene Leaks trở thành nhân vật luôn tỏ ra thô lỗ trong game show Real Housewives of Atlanta
Vụ việc đình đám nhất trong game show giải trí tại Việt Nam có lẽ là chuyện cô bé Quỳnh Anh tham dự Việt Nam Got Talents (2012). Khi so sánh chương trình được biên tập và phát sóng trên truyền hình với đoạn phim phỏng vấn gia đình Quỳnh Anh được công bố trên mạng ít lâu sâu đó, người ta có thể thấy được “trình độ” cao của các nhà biên tập truyền hình khi biến cô bé 15 tuổi và gia đình trở thành những kẻ đáng ghét. Dù cho chất liệu để họ tạo ra hình tượng đó là có nhưng việc họ cố tình thổi phồng và hướng dư luận như vậy là một sự ác ý rõ ràng và là thủ đoạn để tạo sức hút cho chương trình. Trong đoạn băng phỏng vấn, Quỳnh Anh trả lời có vẻ tự tin về giọng hát của mình nhưng câu nói “giọng hát của em là đỉnh nhất” đã bị biên tập lược mất vế sau “trong 4 anh chị em”. Việc mẹ cô bé ra phân trần “nài nỉ” trước ban giám khảo cho con mình vào vòng trong cũng là do ban tổ chức yêu cầu... Chuyện vẫn chưa tỏ rõ đầu đuôi xong cho đến nay đây vẫn được coi là một sự việc đáng tiếc của ngành giải trí Việt.
Lùm xùm vụ Viet Nam's Got Talent năm 2012
Game show thực tế có thể đẩy người tham gia vào bước đường cùng, nhiều người còn mắc chứng trầm cảm, thậm chí tự tử. Trường hợp của Julien Hug - một thí sinh tham dự chương trình “The Bachelorette” đã tự kết liễu đời mình sau khi bị trầm cảm nặng. Khán giả đổ lỗi cho nhà sản xuất luôn quá tập trung khai thác những thí sinh tâm lý vốn sẵn không ổn định. Để đến khi họ quay trở lại thực tại, nhận được sự chú ý từ đông đảo dư luận, họ không đủ khả năng kiểm soát, cân bằng cuộc sống của mình. Sharon Waxman - nhà sáng lập trang mạng giải trí The Wrap - cho hay trong năm 2009 có đến 111 người tự tử liên quan tới truyền hình thực tế.
Game show thực tế rõ ràng đem đến hương vị mới cho ngành giải trí, nó có thể được khai thác để đem về lợi nhuận lớn. Tuy nhiên dù làm gì đi nữa thì phải đặt lương tâm lên hàng đầu. Chỉ mong các nhà sản xuất hãy cân nhắc hậu quả về con người trước khi sản xuất chương trình. Còn về khán giả truyền hình cần phải sáng suốt, tỉnh táo để không hùa theo sự “định hướng” của chương trình để rồi trở thành một bộ phận vô tình gây tổn thương đến người trong cuộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét