Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

Xăm mình !

 *** Điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn xăm hình? 

Vì sao màu mực xăm trên cơ thể chúng ta lại không mất đi trong khi những tế bào da luôn chết đi và lần lượt được thay mới?

Mực xăm được đưa vào lớp hạ bì (lớp sâu của da) bằng kim. Cơ thể coi mực xăm là dị vật và sẽ cố đẩy chúng ra khỏi da, nhưng tính chất hóa học của mực xăm làm cho quá trình này khá là khó khăn đối với cơ thể. Do đó, hầu hết màu sắc vẫn lưu lại ở da.

Kim xăm sẽ châm vào da khoảng 100 lần mỗi giây, với mục đích để mực in lắng đọng trong một vùng bên dưới bề mặt da từ 1,5 đến 2mm. Lý do là độ sâu này vượt quá lớp ngoài của da, hay lớp biểu bì.

Biểu bì là phần da liên tục tự đổi mới. Mỗi ngày, hàng ngàn tế bào biểu bì bị bong khỏi da và được thay thế bằng các tế bào mới. Mực được đưa vào lớp da trên bề mặt sẽ biến mất trong vòng 3 tuần.

Để làm cho mực lưu lại vĩnh viễn trong cơ thể, kim xăm phải đi qua lớp biểu bì vào lớp sâu hơn, hay lớp hạ bì. Thần kinh và mạch máu nằm ở đây, đó là lý do tại sao việc xăm sẽ gây đau và chảy máu.

Hầu hết sắc tố xăm vẫn còn lại trong cơ thể sau khi một người xăm mình. Mực không hề bị xóa bởi các tế bào phục hồi, sửa chữa đặc biệt, gọi là các đại thực bào. Tiến sĩ Arisa Ortiz, bác sĩ da liễu và là giám đốc khoa da liễu laser và mỹ phẩm ở U.C. San Diego Health, cho biết: "Thông thường mực không di chuyển đi quá xa so với nơi tiêm. Phần lớn, mực bị nhấn chìm bởi da hoặc các tế bào miễn dịch, và sau đó là các loại gạc xung quanh ở lớp hạ bì".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang xem xét kỹ hơn về phần mực xăm di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là các hạch bạch huyết.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra một số kim loại nặng độc hại có nguồn gốc từ mực xăm cũng đã đi đến các hạch bạch huyết. Các hạt cobalt, niken và crom, đôi khi được thêm vào các chất xăm hữu cơ để làm chất bảo quản, đã đến các hạch bạch huyết.

Có hại cho cơ thể không?

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, sắc tố xăm có thể bay đến những nơi khác trong cơ thể. Một nghiên cứu vào tháng 5/ 2017 được công bố trên tạp chí Dermatology, các nhà nghiên cứu đã xăm lên mình những con chuột bằng loại mực xăm màu màu đen và đỏ.

Khoảng một năm sau, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra sắc tố mực trong các hạch bạch huyết của chuột, giống như ở người, và có cả trong tế bào gan.

"Đó là một phát hiện rất thú vị và ngạc nhiên", Mitra Sepehri, tác giả chính của nghiên cứu trên chuột, nói. "Để tiếp cận các tế bào gan, sắc tố phải đi qua máu để đến gan. Vì vậy, chúng tôi đã chỉ ra rằng sắc tố hình xăm có thể lan truyền qua hệ thống máu của chuột cũng như thông qua hệ thống bạch huyết".

Tất nhiên, chuột không phải là con người, và như Sepehri đã chỉ ra, nghiên cứu không khẳng định rằng con người xăm mình thì gan sẽ bị nhiễm các sắc tố mực. Ngoài ra, vì da chuột mỏng hơn da người, nên mực xăm có thể sẽ được tích trữ sâu hơn ở chuột và có nhiều khả năng xâm nhập vào máu hơn. Thậm chí nếu tiếp tục nghiên cứu trong 5 hoặc 10 năm nữa, mực xăm có thể tích tụ trong gan ở người, thì vẫn chưa chắc chắn được điều đó có gây hại gì không.

Một nghiên cứu từ Đan Mạch vào năm 2011 cho thấy 10% các chai mực xăm chưa mở thử nghiệm cho thấy đã bị nhiễm vi khuẩn. Và một nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ Môi trường Đan Mạch năm 2012 cho thấy 1 trong 5 mẫu mực xăm chứa các chất gây ung thư.

"Con người đã xăm mình trong hàng ngàn năm nay, và rõ ràng là sẽ tiếp tục xăm nữa", Ortiz nói. "Vì vậy, chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn, cả về quá trình xăm và cả về mực để biết các phản ứng tiềm ẩn trong da, từ đó tối ưu hóa sự an toàn khi xăm mình".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét