Ở đời nhiều chuyện bịa cứ tưởng như thật
QUAN VŨ
Một người am tường văn hoá Trung Hoa đã trình bày tỉ mỉ quá trình Quan Vũ được đôn lên thành đại thần tượng trong tín ngưỡng của người Hoa. Tút của Vinhhuy Le hấp dẫn nhưng rất dài, tui mạn lược mấy điều cho dễ đọc:
1/ Từ đâu Quan Vũ được vào Võ miếu?
Năm 760, vua Đường Túc Tôn cho cúng tế Võ miếu tương đương Văn miếu. Ngoài Khương Tử Nha là thần chủ, đặt thêm Trương Lương làm phó cùng 9 vị các đời (gọi chung là “thập triết”) gồm các danh tướng như Bạch Khởi, Hàn Tín, Gia Cát Lượng, Ngô Khởi, Nhạc Nghị vv...
Đến đời Đường Đức Tôn bổ sung thêm tổng cộng 64 danh tướng. Và đây chính là lúc Quan Vũ chen vô được Võ miếu. Qua đời Bắc Tống, Võ miếu đông hơn, thờ 72 tướng.
2/ Do đâu Quan Vũ được nâng cấp?
Sau khi Mông Cổ diệt Tống, lập nhà Nguyên (1271), triều đình nhận thấy dân gian hết lòng sùng bái vị tướng Nhạc Phi biểu tượng của Nam Tống, vị nguyên soái dũng mãnh bất bại hừng hực hùng tâm khôi phục giang sơn, có ảnh hưởng rất lớn. Họ bèn cho trùng tu các đền thờ Quan Vũ, dựng lên thanh thế của viên tướng nhà Hán xưa lắc hơn ngàn năm trước để làm đối trọng, đánh bạt hình tượng Nhạc Phi.
Sang triều Minh-Thanh, để củng cố địa vị, các đời vua càng đua nhau đề cao trung nghĩa của Quan Vũ, nhằm khuyến dụ lòng dân. Tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung ra đời, càng khiến danh vọng Vũ gia tăng: từ tước hầu thời Hán mạt (Hán Thọ Đình hầu), đến thời Thanh lên hàng vương công, rồi ngất ngưởng ngôi Quan thánh Đại đế. Quan Vũ độc bá Võ miếu, với hai tùy tướng Quan Bình và Châu Thương phối hưởng ăn theo.
3/ Trở thành thần tượng:
Ngôi Chiến thần của Trung Hoa vốn chỉ dành cho bậc chủ soái điều binh khiển tướng. Thời huyền sử, đó là Xi Vưu. Thời Chiến quốc, là Khương Tử Nha. Thời Nam Tống, là Nhạc Phi. Nhưng từ nhà Nguyên trở đi, tất cả các chiến thần tài ba thao lược đó đều phải xuống chiếu dưới. Toàn bộ lương tướng trong Võ miếu dần bị gạt bỏ. Sau chót chỉ còn mỗi mình Quan Vũ.
Trải ngàn năm, nhân vật võ biền thuở nào không còn nữa, những khiếm khuyết của Quan Vũ đã được xóa sạch, chỉ còn lại một thánh nhân hoàn hảo, trung nghĩa thăng hoa. Địa vị tâm linh của Vũ giờ đây vượt cả Khổng tử, trở thành tinh túy của Tam giáo.
Tiểu thuyết gia La Quán Trung tô điểm cho Vũ gồm đủ nhân nghĩa lễ trí tín, thành đấng quân tử mẫu mực; Phật giáo Trung Hoa tôn Vũ làm thần Hộ pháp với danh hiệu Già lam Bồ tát; Đạo giáo tôn Vũ vào “Ngũ Văn Xương”, ngang hàng với bốn vị Văn Xương đế quân, Đại Khôi tinh quân, Châu Y tinh quân, Thuần Dương đế quân.
Đời nhà Thanh, khi xem Kinh kịch, mỗi lần kép đóng vai Quan công ra màn, cả hoàng đế cũng phải đứng dậy cúi chào để tỏ lòng tôn kính. Chẳng những thế, có những ngành nghề không liên quan, như thầy bói, thợ mộc, thợ nề, buôn bán nhỏ lẻ vv… cũng tôn sùng, khiến Vũ kiêm luôn thần Tài phù hộ mua may bán đắt. Đến bọn giặc cướp kết nghĩa anh em, cũng nhờ “Quan nhị ca” làm chứng cho lòng trung nghĩa của mình với tổ chức!
Trung Hoa loạn lạc, Quốc-Cộng giao tranh, người Tàu vượt biển tìm nơi đất lành lập nghiệp, Quan Vũ trở thành vị thần phò hộ biển lặng sóng yên. Khi họ đã an cư, thì Vũ là thần linh độ trì cho gia đạo bình an.
Theo bước chân lưu lạc của người Tàu tứ tán, đền miếu Quan Vũ nơi hải ngoại không chỉ mọc lên ở Việt Nam mà có khắp nơi: Nhật Bản, Triều Tiên, Kampuchea, Tân Cương, Mông Cổ, thậm chí cả ở Anh, Mỹ…, bất cứ nơi đâu có dấu chân Hoa kiều là có đền thờ Quan Vũ.
4/ Đối chiếu chính sử:
Người viết bỏ nhiều công phu đối chiếu, phân tích. Theo đó, tiểu sử Quan Vũ được ghi sớm nhất trong bộ Tam Quốc Chí của Trần Thọ (sử quan nhà Tây Tấn, +233-297). Chương 6, Quyển 36, Tam quốc chí chép về 5 hổ tướng nhà Thục, phần Quan Vũ truyện không đầy ngàn chữ.
Từ thời Minh, giới thống trị đã lợi dụng những hư cấu trong tiểu thuyết của La Quán Trung để dựng nên hình tượng Quan Vũ vạn toàn vô khuyết.
Đây chỉ kể sơ mấy chỗ:
- Chuyện “Đào viên kết nghĩa” là bịa. Trong Tam Quốc Chí, Trần Thọ ghi rõ Quan Vũ là tội phạm trốn truy nã, nhờ vậy mà gặp Lưu Bị; và Quan, Trương chỉ được Lưu Bị COI NHƯ anh em mà thôi, làm gì có chuyện kết nghĩa huynh đệ!
- Chuyện đốt đuốc canh cửa cho hai chị dâu càng hoang đường. Tam Quốc Chí chép rằng: Khi thất thế bại tẩu về với Tào Tháo, Vũ chỉ đi một mình. Chẳng những thế, Vũ còn là kẻ háo sắc.
- Hoa Hùng không phải chết dưới đao Quan Vũ, mà bị giết bởi Tôn Kiên.
- Quan Vũ chỉ giết Nhan Lương, không hề chém Văn Xú. Chuyện “Qua năm ải chém sáu tướng” toàn là tưởng tượng của nhà văn.
- Bản mặt Vũ không hề đỏ như gấc. Chính sử không hề tả hình dong Vũ, chỉ thấy trong thư Gia Cát Lượng gửi Vũ có một chữ “Nhiêm” 髯 để nói Vũ là người râu ria rậm rạp mà thôi.
- Ngựa Xích Thố là sáng tạo của La Quán Trung, sau này thành chiêu trò cho bọn nhà văn dã sử Tàu thêm mắm dặm muối trợ oai dũng tướng. Bởi ngựa chiến của Tàu hầu hết đều bị thiến, là thứ ngựa chỉ dùng xông thẳng trực diện đối phương, không thể đủ sức rong ruổi ngàn dặm.
- Theo bộ sách nghiên cứu quân sự được soạn vào đời Tống thì thời Tam Quốc thông dụng đại đao, đao của quân Thục Hán dài nhất, chừng thước hai. Loại Thanh Long đao dài hơn hai thước mốt mà Tam Quốc Diễn Nghĩa trao cho Quan Vũ, thì phải tới 800 năm sau, vào thời Đường-Tống mới bắt đầu xuất hiện.
- Quan Vũ dù có tài chém tướng giữa vạn quân, thì cũng chỉ là kẻ võ biền thô lỗ. Vũ còn tỏ ra khinh thị bọn văn nho, đến nỗi gây hiềm khích với My Phương và Phó Sĩ Nhân mà chuốc họa bị giết.
- Chiến công dìm bảy cánh quân Vu Cấm ở Phàn Thành khiến oai danh của Vũ vang lừng Hoa Hạ, vốn là nhờ tiết thu mưa dầm khiến nước sông dâng cao mà có, là hên thôi, không phải do thần cơ diệu toán như La Quán Trung ca tụng.
5/ Phần kết:
“Dìm hàng Quan Vũ đến đây đã đủ, bởi bới hết chỗ khuyết của Vũ ra, e 10.000 chữ còn là ít, nên tạm dừng”.
Người viết kéo thêm phần LÝ GIẢI: “Vì sao người ta lại thành công trong việc cải tạo một kẻ thất phu nên bậc thần nhân chí thánh? Đây là hiện tượng tâm linh - văn hóa, là thứ tôi không đủ khả năng phân tích, chỉ mạo muội nêu vài lý do”...
Lại sưu tầm thêm QUAN VŨ TRONG TIẾU LÂM DÂN GIAN: “Dân Tàu không phải ai cũng kính ngưỡng Quan Vũ, họ đặt đủ chuyện tiếu lâm về anh râu đẹp, đây trích đọc chơi vài chuyện cho vui”.
Ai muốn đọc nguyên bài xin vào trang gốc:
Vương Thừa Bình
2929
2 bình luận
4 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét