Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

Chứng đầy hơi :

 


Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

*** Chứng đầy hơi :


Thuốc làm giảm viêm bao tử và ruột, và đôi khi có thể làm giảm đầy hơi. (Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)

Hỏi:

Bụng cứ bị đầy đầy, lình sình hoài thì có phải là bệnh gì nguy hiểm không? Có cách ăn uống hay thuốc men gì để chữa không? Có sợ bị ung thư không?

Đáp:

Có rất nhiều nguyên nhân làm cho đầy hơi. Và do đó tùy theo nguyên nhân mà cách chữa khác nhau.

Nếu bên cạnh việc đầy hơi, ta có triệu chứng gì khác, như đau bụng, tiêu chảy, tiêu ra máu, sụt cân, vân vân, nguyên nhân có thể là các bệnh có thể nguy hiểm như viêm ruột, ung thư,… và khi đó, nên đi bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nếu chỉ hay bị “xì hơi” thôi mà không có triệu chứng khác, thường gặp nhất là do cách ăn uống, thiếu vận động, hoặc một hội chứng gọi là hội chứng nhột bụng (irritable bowel syndrome).

Việc đầu tiên nên làm là kiểm tra xem các thức ta đang ăn uống hàng ngày, có thức nào là thủ phạm hay không. Ta cần một “nhật ký ăn uống” để làm điều này có hiệu quả (phải ghi xuống một cuốn sổ). Đầu tiên ta nên hạn chế các thức ăn uống hàng ngày, để dễ kiểm soát xem thức ăn nào hay tạo ra hơi trong ruột của mình nhiều. Mỗi ngày, viết vào sổ tay xem hôm đó mình ăn những gì, và mức độ đầy hơi tăng hay giảm như thế nào.

Các thức hay tạo ra hơi nhiều, đầu tiên là sữa và các chất có sữa. Nếu đây là thủ phạm, ta nên tạm ngưng dùng chúng một thời gian, sau đó dùng lại ít ít, rồi tăng lên từ từ, đến mức nào mà bắt đầu thấy bắt đầu “dư hơi” thì ngừng lại ở mức đó.

Nhai kẹo cao su, hút thuốc (nuốt hơi), và một số loại thức ăn khác cũng có thể tạo ra nhiều hơi. Các thức ăn này gồm: giá (Brussels sprouts), các thức ăn có chất cám (bran), các loại đậu (beans), bắp cải (cabbage), các loại đường nhân tạo (artificial sweeteners), các loại nước nước có ga (carbonated beverages) và rượu (alcohol). Mức độ tạo ra hơi của mỗi loại thức ăn ở mỗi người khác nhau. Khi biết được nguyên nhân, ta có thể bớt loại đó lại tới mức không còn nhiều hơi quá. Không nên bỏ hẳn nếu đó là các loại thức ăn tốt như sữa, đậu, rau.

Một số phương pháp khác tuy đơn giản nhưng cũng quan trọng trong việc giúp làm bớt đầy hơi:

    Ăn chậm, nhai kỹ. Vì đầy hơi là dấu hiệu của thức ăn không tiêu hoá tốt. Nhai để nghiền nát thức ăn và giúp cho các loại men trong nước bọt góp phần tối đa vào việc tiêu hoá thức ăn.

    Ăn uống một cách thoải mái. Thoải mái, tránh căng thẳng là một cách tránh đầy hơi.

    Đi bộ, vận động nhẹ nhàng sau khi ăn, và thể dục thường xuyên, giúp đẩy hơi xuống phần dưới của ruột

    Một thể dục đơn giản có thể giúp giảm đầy hơi là nằm ngửa, co đầu gối phải lên ngực, ép xuống, giữ khoảng mười giây, rồi sau đó qua đầu gối bên kia, lập lại nhiều lần.


Đi bộ, vận động nhẹ nhàng sau khi ăn, và thể dục thường xuyên, giúp giảm đầy hơi. (Hình minh họa: Timothy A. Clary/AFP via Getty Images)

Nếu các biện pháp trên chưa đủ hiệu quả, một số thuốc bán không cần toa bác sĩ có thể giúp trong một số trường hợp. Một trong số các thuốc này là các thuốc có chứa chất simethicone, có thể giúp làm vỡ các bóng hơi trong phần trên của hệ thống tiêu hóa. Chất này có trong các thuốc như Di-Gel, Mylanta Gas, Maalox,… Thuốc chỉ có hiệu quả trong một số trường hợp.

Một số chất khác có thể mua không cần toa bác sĩ, cũng có thể làm giảm đầy hơi là:

    Lactase: làm giảm đầy hơi do các thức ăn có chất sữa, lactase có trong các sản phẩm như LactAid, Lactrase, and Dairy Ease

    Alpha galactosidase: là một loại men, giúp tiêu hoá một số chất bột đường phức tạp (complex carbohydrates). Chất men này giúp tiêu hoá chất đường có trong các loại đậu và một số rau trái. Alpha galactosidase có trong sản phẩm có tên là Beano.

    Bismuth: là một chất làm giảm viêm bao tử và ruột, và đôi khi có thể làm giảm đầy hơi. Nó cũng có thể làm giảm bớt mùi hôi khi ợ hơi. Chất này có trong Pepto Bismol. Và thuốc này làm cho phân có màu đen.

    Than hoạt tính (activated charcoal), đôi khi cũng có thể làm giảm hơi trong phần dưới ruột già. Chất này có thể làm bón và cũng làm cho phân có màu đen.

Đôi khi, uống nước ấm hoặc nước trà với vài giọt tinh dầu bạc hà, quế, hay gừng sau khi ăn, cũng có thể giúp cho một số bệnh nhân.

Một số thuốc khác cũng có thể làm giảm đầy hơi. Tuy nhiên, các thuốc này cần phải được bác sĩ (thăm khám trước khi) kê toa.

Nói tóm lại, để giảm chứng đầy hơi, và “xì hơi,” ta cần chú ý đến chế độ ăn của mình, vận động thể lực đúng mức. Một số thuốc mua không cần toa bác sĩ có thể giúp ích. Nếu các biện pháp trên không có hiệu quả như ý, bác sĩ có thể kê toa một số thuốc có thể có hiệu quả hơn.

Nếu bên cạnh việc sình bụng, ta còn có các triệu chứng khác như sụt cân, rối loạn về tiêu hóa, đau bụng,… ta cần phải đến bác sĩ càng sớm càng tốt, vì đó có thể là triệu chứng của một bệnh nguy hiểm.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng/nguoiphuongnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét