Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

Thủ tục khai tử :

 

Thủ tục đăng ký khai tử cho công dân Việt Nam chết tại gia đình là nơi cư trú cuối cùng

20/09/2016
Luật Hộ tịch được Quốc hội thông quan ngày 20 tháng 11 năm 2014 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Theo quy định của luật, Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra tới khi chết.
Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư. Việc cơ quan nhà nước đăng ký khai tử cho công dân là cơ sở pháp lý dân nhằm xác nhận công dân “đã chết”. Tuy nhiên để được đăng ký khai tử, thân nhân của người chết theo quy định của pháp luật phải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện đăng ký khai tử.
Về thẩm quyền đăng ký khai tử Điều 32 Luật Hộ tịch quy định : Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
Việc đăng ký khai tử cho công dân Việt Nam hiện nay được thực hiện tại UBND cấp xã có thẩm quyền theo quy định tại mục 7, chương II của Luật Hộ tịch, theo đó trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử”.
Tại Điều 34 chương II Luật Hộ tịch về Thủ tục đăng ký khai tử quy định: “1. Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.
Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử”.
Về Giấy báo tử và giấy tờ khác thay thế báo tử được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch ghi:
"2. Khi đăng ký khai tử theo quy định của Luật Hộ tịch, nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu ; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.
Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:
a) Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;
b) Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;
c) Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;
d) Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;
đ) Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử”.
Vì vậy theo điểm đ khoản 2 nêu trên trường hợp người chết tại gia đình là nơi cư trú cuối cùng của người chết Giấy báo tử sẽ do UBND cấp xã nơi người đó chết cấp.
Như vậy đối với công dân Việt Nam chết tại gia đình có người thân thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết (sau đây gọi tắt là người thân thích) có trách nhiệm đi đăng ký khai tử sẽ đến UBND xã có thẩm quyền để thực hiện đăng ký khai tử cho người chết. Tuy nhiên để thực hiện thủ tục này cần phải có Giấy báo tử do UBND cấp xã nơi người đó chết cấp theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Vậy để thực hiện được thủ tục đăng ký khai tử người thân thích của người chết sẽ phải thực hiện đề nghị UBND cấp xã nơi người đó chết cấp Giấy báo tử, sau khi có Giấy báo tử lại tiếp tục đề nghị UBND xã cư trú cuối cùng (trường hợp này cũng là nơi người đó chết) đăng ký khai tử, trong đó nội dung thông tin đều phải bao gồm các thông tin như: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch vì theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử”.
Về Thực trạng thực hiện thủ tục đăng ký khai tử tại địa phương: Thực tế hiện nay tại địa bàn một số tỉnh nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa, đa số người dân thường chết tại gia đình là nơi cư trú cuối cùng của người chết. Qua công tác thanh tra, kiểm tra vào báo cáo số liệu hàng năm về việc đăng ký khai tử cho thấy số liệu đăng ký khai tử chiếm tỉ lệ rất thấp so với số người chết. Nguyên nhân một phần là do quan niệm của một số người “chết là hết” nên đăng ký khai tử đối với người chết là không cần thiết, trừ các trường hợp đăng ký khai tử để lĩnh chế độ tử tuất, hay để người còn lại là vợ hoặc chồng tiếp tục kết hôn, hoặc để xác định tài sản chung của vợ chồng. Mặt khác do nhận thức của người dân chưa đầy đủ về trách nhiệm trong việc đăng ký và quản lý hộ tịch, tâm lý ngại va chạm với các cơ quan công quyền. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngại đi đăng ký khai tử vì thủ tục hành chính còn rườm rà vì vừa phải thực hiện đề nghị cấp Giấy báo tử vừa phải thực hiện kê khai đăng ký khai tử (vào Tờ khai đăng ký khai tử) rất mất thời gian.
Việc người dân không thực hiện đăng ký khai tử sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, quản lý dân số, quản lý hộ khẩu, thực hiện chính sách về an sinh xã hội... dẫn tới có trường hợp người chết chưa được thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật và các nghĩa vụ vẫn chưa được thực hiện đồng bộ kịp thời …Như vậy, việc không nắm bắt đầy đủ thông tin về người chết sẽ ảnh hưởng đến công tác hoạch định chính sách về dân số nói riêng và chính sách phát triển kinh tế-xã hội nói chung.
Từ những quy định của pháp luật hộ tịch về đăng ký khai tử đối với công dân Việt Nam chết tại gia đình là nơi cư trú cuối cùng của người chết và thực tế việc thực hiện đăng ký khai tử tại địa phương cũng như hậu quả của việc không đăng ký khai tử nêu trên, nhằm cải cách thủ tục hành chính bãi bỏ những thủ tục còn rườm rà đồng thời tạo thuận lợi cho người dân trong việc đăng ký khai tử đồng thời góp phần thực thi quy định của pháp luật về hộ tịch hiệu quả, đề nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ thành phần hồ sơ là Giấy báo tử trong hồ sơ đăng ký khai tử đối với trường hợp đăng ký khai tử cho công dân Việt Nam chết tại gia đình là nơi cư trú cuối cùng của người chết.
Việc bãi bỏ thành phần hồ sơ này không làm ảnh hưởng đến giá trị của Giấy chứng tử vì trong trường hợp này theo quy định của pháp luật hai loại giấy tờ trên đều cùng do một UBND xã cấp, có cùng các nội dung là Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết (nếu có); nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch. Mặt khác việc khai tử thường do vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử và trực tiếp ghi thông tin vào Tờ khai đăng ký khai tử nên các thông tin đăng ký khai tử về cơ bản bảo đảm tính chính xác, vì vậy trong trường hợp này việc UBND cấp Giấy báo tử trước sau đó mới đăng ký khai tử là không cần thiết.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét