Tháng 4-2022, thông qua Xuân, Hiếu liên hệ với ông C. (cán bộ về hưu) giới thiệu người để bán viên đá này với giá 5.000 - 6.000 tỉ đồng. Cả hai hứa bán được sẽ cho ông C. 5 tỉ đồng nhưng thực chất cả hai chỉ lên kịch bản để chiếm đoạt tiền của ông.
Khi tạo được lòng tin, Xuân và Hiếu làm giấy ủy quyền cho ông C. mua bán viên đá này. Hai bên thỏa thuận ông C. sẽ đưa 500 triệu đồng cho nhóm Hiếu. Viên đá được cất vào két sắt, Hiếu giữ chìa khóa, còn ông C. giữ mật khẩu.
Cầm được 500 triệu đồng "làm tin" của ông C., cả nhóm liền "lặn" mất. Liên lạc không được nên ông C. báo công an. Theo kết luận giám định, viên đá màu đen mà các bị cáo lừa đảo là thiên thạch có hàm lượng chì hơn 98% và không có tính năng hủy sắt.
Cũng liên quan đến mua bán thiên thạch, ngày 23-3 TAND TP Hà Nội xét xử một cặp tình nhân lừa bán thiên thạch với giá 800 triệu USD/kg. Nạn nhân trong vụ việc là ông Q.C. (42 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội).
Ông Q.C. có nhu cầu tìm mua thiên thạch cổ để chuyển giao cho các trung tâm nghiên cứu ở Mỹ nên được người quen giới thiệu với cặp tình nhân Nguyễn Thị Tuyết - Đặng Hoàng Giao.
Tuyết và Giao nói đang muốn bán thiên thạch nặng 8,7kg có chức năng hủy kính. Hai bên gặp nhau, thống nhất giá bán là 800 triệu USD/kg.
Tuyết cho ông Q.C. xem một số hình ảnh lưu trong điện thoại về tác dụng hủy kính của thiên thạch mà mình đã thử nghiệm trước đó. Hai bên ký kết "thỏa thuận không hủy ngang về việc chuyển nhượng trái thiên thạch hủy kính có nguồn gốc cổ xưa".
Tháng 4-2019, Tuyết trực tiếp làm thử nghiệm tính năng hủy kính cho ông Q.C. xem tại nhà Tuyết. Khi Tuyết mở nắp hộp hình trụ để lấy viên đá thì đột nhiên té ngã xuống đất và ngất xỉu nên không thực hiện được thí nghiệm.
Sau đó, Tuyết giải thích là do chất phóng xạ của thiên thạch làm mình ngất xỉu. Thế mà ông Q.C. lại tin tưởng đặt cọc cho Tuyết 1,8 tỉ đồng để mua viên đá. Nhận tiền cọc, Tuyết và Giao lần lữa không cho khách xem và thử nghiệm viên đá, rồi ôm tiền bỏ trốn vào TP.HCM.
Quá trình điều tra, Tuyết và Giao không giao nộp được viên đá. Còn Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác định thiên thạch đều không có tính phóng xạ, không thể làm rạn nứt hoặc gây vỡ thủy tinh.
Tuyết bị phạt 9 năm tù, Giao 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lừa chạy dự án
Tháng 5-2023, TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo là Lê Công Bằng (27 tuổi).
Theo hồ sơ vụ án, Bằng mạo nhận mình là cháu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đồng thời có quan hệ quen thân với chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nên đã yêu cầu chủ một doanh nghiệp bất động sản đưa hơn 14 tỉ đồng để chạy dự án. Dĩ nhiên là Bằng không thể chạy được và bị phạt 12 năm tù.
Điều khá trớ trêu, bị hại của vụ án là Nguyễn Thanh Hùng - tổng giám đốc Công ty Bình Dương City Land - được công an dẫn giải tới tòa vì đang là bị can tạm giam trong một vụ án khác.
Hùng bị bắt đầu năm 2020 vì tự vẽ dự án rồi quảng bá và bán, thu tiền của hàng trăm khách hàng, chiếm đoạt số tiền hàng chục tỉ đồng.
Cũng trong tháng 5-2023, TAND tỉnh Ninh Bình xét xử một vụ lừa đảo mà người thực hiện từng là hiệu trưởng một trường cấp II trên địa bàn - bà Phạm Thị Thu Hoài. Con trai của bà Hoài đi xuất khẩu lao động ở Nhật và nợ 2,8 tỉ mà không có khả năng trả.
Để có tiền giúp con trai, bà giáo nảy sinh ý định nói với những người quen biết là mình có mối quan hệ với nhiều lãnh đạo, có khả năng xin việc cho con em họ vào biên chế nhà nước, xin chuyển mục đích sử dụng đất, làm thủ tục hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học.
Trong một năm rưỡi có sáu người đã "dính bẫy" và đưa cho bà số tiền hơn 2,9 tỉ đồng. Nhận tiền nhưng bà Hoài đốt hồ sơ của người ta, còn tiền thì mang trả nợ cho con.
Điều đáng nói sáu nạn nhân trong vụ lừa trên, mỗi người đều đưa cho bà hiệu trưởng một số tiền lớn đến khó tin.
Trước tiên là một người nhờ bà Hoài làm thủ tục chuyển đổi 540m2 đất ao, vườn thành ba lô đất ở. Ông đưa cho bà Hoài 510 triệu đồng. Một người khác thậm chí còn đưa cho bà Hoài 1,02 tỉ đồng để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng 385m2 đất ao của nhà mình và 360m2 đất ao của nhà thông gia.
Chờ hơn năm trời không thấy "động tĩnh" gì, các gia đình gặp hỏi nhiều lần thì bà Hoài viết cho tờ giấy biên nhận tiền. Nhưng thực tế thì tiền bà nhận, còn hồ sơ đất đai bà tiêu hủy chứ không nộp cho cơ quan chức năng để làm thủ tục.
Một ông hàng xóm của bà Hoài là bộ đội xuất ngũ nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách gì. Bà Hoài đến đặt vấn đề làm thủ tục cho ông được hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học với chi phí 20 triệu đồng.
Chưa hết, bà còn thuyết phục được ông hàng xóm đưa 360 triệu đồng để chuyển mục đích sử dụng 360m2 đất. Sau này ông đòi mãi, bà Hoài mới trả được 10 triệu đồng.
Không biết "tiếng lành" đồn xa đến đâu mà một người quen khác đến nhờ bà Hoài xin cho con gái vào biên chế tại Bệnh viện Công an tỉnh Ninh Bình với giá 400 triệu đồng. Số tiền lớn quá nên người này thôi, không xin việc nữa.
Nhưng bà Hoài không buông tha mà giới thiệu để người này mua đất rồi lừa lấy 180 triệu đồng để chuyển mục đích sử dụng đất.
Đến nỗi ông tài xế taxi thường chở bà Hoài đi công việc cũng tin tưởng đưa cho bà 500 triệu đồng để xin cho cháu vào làm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Cuối cùng, bà Hoài phải bán nhà trả lại toàn bộ số tiền đã nhận và nhận bản án 8 năm tù.
Mới đây, ngày 8-6 TAND tỉnh Hòa Bình cũng vừa xét xử phúc thẩm một vụ liên quan đến lừa bán thiên thạch.
Đặng Văn P., sinh năm 1973, trú tại Ninh Bình, là lao động tự do, trình độ văn hóa 6/12. P. cùng với một số người đã lừa anh H. (ở Hà Nội) mua một "thiên thạch" hình thoi màu đen dài khoảng 5cm, đường kính 5cm.
Thủ đoạn rất đơn giản: Nhóm làm thí nghiệm, thả vật này vào trong ca đựng nước thì thấy lơ lửng không nổi không chìm. Vậy mà anh H. tin là thật và đồng ý mua với giá 25 tỉ đồng, đặt cọc 400 triệu đồng.
Nhận được tiền, nhóm P. trốn biệt. P. bị xử y án sơ thẩm 8 năm tù.